Theo Trung tâm truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này đã nhận phản ánh về việc nhiều tiểu thương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng chế độ.
Đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ nhưng chưa có chế độ
Trong giai đoạn 1995-2006, Chính phủ đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các đối tượng gồm người có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có thời hạn, mùa vụ hoặc thời hạn từ 3-12 tháng tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh như hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tổ hợp tác.
Còn từ năm 2016 đến nay, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bổ sung thêm các đối tượng khác như lao động có hợp đồng theo mùa vụ hoặc thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng, người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương…
Đặc biệt với nghị định 01 ngày 9-1-2003, các hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và lập hồ sơ gửi cơ quan bảo hiểm theo quy định. Trong đó, nhiều hộ lập danh sách cả chủ hộ và người lao động vì quan niệm chủ hộ cũng trực tiếp làm việc, sản xuất kinh doanh. Thực tế, có một số nơi chỉ có chủ hộ làm việc.
Do vậy, nhiều tiểu thương đã được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, hưu trí. Tuy vậy, một số hộ chưa được tính thời gian đóng cũng như giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do chưa thống nhất về nhận thức.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhiều chủ hộ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với hai vai trò. Một là người sử dụng lao động, hai là người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh để tạo ra thu nhập.
“Như vậy, có thể coi là một dạng hợp đồng lao động tự thỏa thuận, tự ký, nên tham gia đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như người lao động”, cơ quan này nhận định.
Giải quyết quyền lợi cho các tiểu thương thế nào?
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh thành dừng thu bảo hiểm với các chủ hộ. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tìm hướng giải quyết vấn đề.
Song chuyên gia của cơ quan này đánh giá việc trả lại thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ rất phức tạp, khó khăn. Ngoài ra, quyền lợi của người lao động cũng bị ảnh hưởng vì tham gia bảo hiểm thời gian dài.
Do đó, Bảo hiểm xã hội đề xuất chủ hộ kinh doanh cá thể và một số đối tượng khác thuộc nhóm tham gia bảo hiểm xã hội. Thứ hai, các chế độ, chính sách với tiểu thương đã đóng bảo hiểm tuân thủ theo nguyên tắc đóng – hưởng.
Cơ quan bảo hiểm cũng đề xuất Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể bao gồm cả chủ hộ. Theo đó, các hộ trên được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ trình Chính phủ ban hành nghị quyết tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) với các chủ hộ.
Vừa qua, Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến tháng 9-2016.
Song nhiều hộ dù đóng gần 20 năm nhưng chưa được tính thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc. Điều này khiến người dân bức xúc, một số trường hợp đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện bảo hiểm xã hội tỉnh ra tòa án.
Nguồn: tuoitre.vn