Dự kiến lịch trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 7
Dự kiến từ ngày 1-7, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%.
Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng được điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng.
Người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trong tháng 7 này cần có hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Theo quyết định 166 năm 2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lịch chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 2 đến ngày 10 hằng tháng tại các điểm chi trả.
Thời gian ít nhất 6 giờ/ngày và chỉ kết thúc đợt chi trả trước ngày 10 nếu hết số người hưởng theo danh sách. Tại điểm giao dịch của bưu điện, thời gian từ ngày 11 hằng tháng đến hết ngày 25 của tháng đó.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, tác động hơn 3,3 triệu người.
Tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho 2.000 trẻ em
Ngày 29 và 30-6, Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Đông y tỉnh tổ chức chương trình khám tầm soát miễn phí các dị tật tim bẩm sinh cho 2.000 trẻ em tại huyện Tây Hòa và thị xã Đông Hòa.
Đoàn khám thiện nguyện gồm các y, bác sĩ trẻ đến từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa (là hội viên của Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM) đã siêu âm, khám tầm soát bệnh tim cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Trường hợp nặng trẻ sẽ được chuyển điều trị (phẫu thuật, can thiệp) tại các trung tâm tim mạch chuyên sâu của TP.HCM và tỉnh Khánh Hòa, với sự hỗ trợ toàn bộ chi phí từ các nhà hảo tâm.
TS Đỗ Nguyên Tín, chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM, chia sẻ: “Bệnh tim bẩm sinh là dị tật thường gặp ở trẻ em, chiếm tỉ lệ khoảng 1% trẻ chào đời.
Một số bệnh có thể tự khỏi, nhưng có những bệnh nặng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để trẻ có được cuộc sống bình thường và tương lai tốt đẹp”.
Lần đầu công diễn vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”
Tối 29-6, tại Nhà hát thành phố, Đoàn Ca múa Hải Phòng công diễn vở nhạc kịch “Bỉ vỏ“. Vở nhạc kịch này được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng.
Đoàn Ca múa Hải Phòng là đơn vị nghệ thuật đầu tiên của cả nước công diễn “Bỉ vỏ” theo loại hình nhạc kịch.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai – giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng được xem như “Những người khốn khổ” của Việt Nam dưới thời thực dân nửa phong kiến.
Việc hội đồng nghệ thuật lựa chọn “Bỉ vỏ” để chuyển thể thành nhạc kịch để đáp ứng nhu cầu thưởng thức các tác phẩm sân khấu của công chúng Hải Phòng cũng như cả nước ngày càng cao.
Toàn bộ công nhân bị ngộ độc thực phẩm đã ra viện
Có tổng số 127 công nhân Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm ở Hải Phòng thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy bị ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa 27-6 vừa qua.
Công nhân đã được xe công ty chuyển đến Bệnh viện Việt Tiệp; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế và Trung tâm Y tế huyện An Dương điều trị và theo dõi sức khỏe.
Theo lãnh đạo tổng công ty, đến nay toàn bộ công nhân bị ngộ độc đã được ra viện.
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã yêu cầu Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân, khẩn trương khắc phục các tồn tại để có thể sớm mở cửa lại nhà ăn, ổn định tâm lý người lao động.
Đồng thời yêu cầu công ty triển khai ngay các giải pháp đảm bảo bữa ăn ca, chăm lo cho người lao động trong thời gian tạm dừng bếp ăn tập thể, đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, đặc biệt là tại Vĩnh Phúc, Khánh Hòa và Đồng Nai, đến nay thêm vụ ngộ độc tại Hải Phòng, các vụ việc này đã làm số người ngộ độc thực phẩm trong các tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ.
Nguồn: tuoitre.vn