Cơ quan quản lý lương hưu họp khẩn trực tuyến về tổ chức cán bộ
Tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này vừa tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức cán bộ và tài chính – kế toán.
Hội nghị nêu nhiều kết quả như bộ máy tổ chức được tinh gọn, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngành cũng chi trả kịp thời chế độ như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người hưởng song song với quản lý quỹ, chống gian lận, trục lợi…
Trong 11 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu của ngành chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 19,7 triệu người, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó số người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2,17 triệu người, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 15,8 triệu người, tức tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2023. Số người có bảo hiểm y tế là trên 94,6 triệu người, tăng gần 3% so với năm ngoái.
Lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần giảm chứng tỏ việc truyền thông, củng cố niềm tin của người dân và các chính sách phát huy hiệu quả.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu đoàn kết, đồng lòng với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và chủ động rà soát, đề xuất, sắp xếp tổ chức.
Ông Mạnh yêu cầu toàn ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, đối chéo trong nội bộ gắn với tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý các quỹ bảo hiểm xã hội như quỹ hưu trí và tử tuất, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Theo kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ mới được ban hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được cơ cấu vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản còn yếu
Trong báo cáo về thị trường ngành bất động sản vừa công bố, VIS Rating cho biết khả năng trả nợ của ngành duy trì mức yếu trong quý 3-2024.
Song họ kỳ vọng mức đòn bẩy sẽ được kiểm soát nhờ các quy định mới và dòng tiền của chủ đầu tư sẽ cải thiện nhờ doanh số bán hàng tăng lên. Tính đến quý 3-2024, hơn một nửa chủ đầu tư mà VIS Rating theo dõi có hồ sơ đòn bẩy và khả năng trả nợ mức yếu.
Điều này chủ yếu do sử dụng đòn bẩy quá mức để phát triển dự án trong giai đoạn 2021 – 2023 và tồn kho các dự án chưa hoàn thành cũng như hàng tồn kho chưa bán được khi tâm lý thị trường xấu đi kể từ năm 2023.
Các quy định mới được ban hành vào tháng 7-2024 sẽ giới hạn mức sử dụng nợ cho các dự án mới.
Do vậy, VIS Rating kỳ vọng tăng trưởng nợ vay sẽ tiếp tục chậm lại từ mức cao 15%/năm trong giai đoạn 2022 – 2023.
Với triển vọng tích cực về doanh số bán dự án mới và dòng tiền, tỉ số bao phủ nợ của các chủ đầu tư sẽ dần được cải thiện.
Trong đó, khoảng 22.000 tỉ đồng trái phiếu do các chủ đầu tư phát hành sẽ đáo hạn vào quý 4-2024, phần lớn đã chậm trả gốc, lãi trong các kỳ trước.
Khoảng 13.000 tỉ trái phiếu đáo hạn trong quý cuối năm đã chậm trả nợ gốc, lãi vào năm 2023 và đã đàm phán thành công với các trái chủ để gia hạn thanh toán sang năm tiếp theo. Những trái phiếu này được phát hành bởi các công ty liên quan đến các tập đoàn bất động sản như Vạn Thịnh Phát, Novaland, Hưng Thịnh và Sunshine.
Số còn lại 9.000 tỉ đồng trái phiếu được phát hành bởi 11 công ty.
Trong đó, VIS Rating đánh giá 7 công ty có hồ sơ tín dụng yếu và có rủi ro cao; chủ yếu là các công ty không có hoạt động kinh doanh có liên hệ với các tập đoàn bất động sản, không có doanh thu hoạt động và nguồn tiền rất ít.
Masan rót thêm hàng trăm tỉ mua cổ phần công ty sản xuất pin
Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố nghị quyết phê duyệt việc bổ sung khoản vốn góp bằng tiền lên đến 510 tỉ đồng vào vốn điều lệ của Công ty TNHH The Sherpa.
Việc góp vốn này của Masan vào The Sherpa nhằm mục đích thực hiện giao dịch mua cổ phần của Nyobolt Limited. Theo đó, toàn bộ số vốn góp tăng thêm do Masan góp bằng hình thức góp thêm tiền vào The Sherpa.
HĐQT Masan ủy quyền ông Nguyễn Đăng Quang – chủ tịch HĐQT – hoặc tổng giám đốc Danny Le quyết định số vốn góp tăng cụ thể, thời điểm góp vốn và tất cả các vấn đề khác liên quan đến việc tăng vốn góp của MSN trong The Sherpa.
Được biết, Công ty TNHH The Sherpa thành lập vào năm 2020, có trụ sở tại quận 1, TP.HCM. Trong khi Nyobolt Limited là công ty chuyên cung cấp giải pháp pin lithium-ion sạc nhanh.
City Auto có tổng giám đốc mới, là con trai chủ tịch
CTCP City Auto (CTF) vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị về miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc công ty.
Cụ thể, HĐQT CTF đã thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm chức vụ tổng giám đốc của ông Nguyễn Đăng Hoàng. Ông Hoàng xin từ nhiệm chức danh từ ngày 3-12 vì lý do cá nhân.
Người ngồi vị trí “ghế nóng” thay ông Hoàng là ông Trần Lâm. Ông Trần Lâm – tân tổng giám đốc City Auto – chính là con trai của ông Trần Ngọc Dân – chủ tịch HĐQT City Auto.
Ông Lâm cũng đang là thành viên HĐQT của City Auto. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ông Lâm đang sở hữu hơn 7,5 triệu cổ phiếu CTF, tương ứng 8,4% vốn điều lệ.
City Auto được biết là doanh nghiệp phân phối xe Ford và Hyundai lớn tại Việt Nam do ông Trần Ngọc Dân làm chủ tịch HĐQT.
Một ‘đại gia’ du lịch nghỉ dưỡng chậm trả trái phiếu
Trong báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp vừa phát hành, VIS Rating cho biết lượng trái phiếu phát hành mới trong tháng 11-2024 đạt 23.400 tỉ đồng. Tính từ đầu năm nay đạt 403.000 tỉ đồng.
Cũng trong tháng 11-2024, một trái phiếu chậm trả được công bố từ CTCP Crystal Bay, một công ty thuộc nhóm ngành du lịch, nghỉ dưỡng, với tổng giá trị gốc chậm trả là 421 tỉ đồng.
Tổ chức phát hành này đã chậm trả nợ gốc vào ngày 5-11. Sau đó, trái chủ trái phiếu này đã chấp thuận gia hạn thanh toán đến ngày 30-11-2024. Hiện tại chưa có thông báo thanh toán cho trái phiếu này.
Ngoài ra, VIS Rating đánh giá rằng công ty sẽ tiếp tục có nguy cơ chậm trả gốc/lãi cao khi có hồ sơ tín nhiệm yếu với dòng tiền hoạt động âm, đòn bẩy cao và nguồn tiền mặt hạn chế.
Theo tin tức công bố, tổ chức phát hành này đã lỗ 76 tỉ đồng trong 6 tháng năm 2024 và 136 tỉ đồng trong 6 tháng năm 2023.
Tính chung từ đầu năm đến nay, có 43 trái phiếu chậm trả gốc/lãi lần đầu với tổng giá trị là 23.200 tỉ đồng. Con số này đã giảm đáng kể so với 369 trái phiếu chậm trả gốc/lãi với tổng giá trị là 144.000 tỉ đồng trong năm 2023.
Tỉ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 11-2024 giữ ở mức 15,3%. Nhóm năng lượng có tỉ lệ chậm trả cao nhất ở mức 44%, trong khi nhóm bất động sản nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả.
Công ty Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ bị phạt vì ‘ém’ thông tin trái phiếu
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với Công ty cổ phần Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ có địa chỉ trụ sở chính tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt 85 triệu đồng do gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022.
Công ty cổ phần Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ cũng không gửi nội dung đúng thời hạn cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội các tài liệu như báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 6 tháng năm 2022;
Báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022, báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu 6 tháng năm 2023.
Nguồn: tuoitre.vn