Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Phan Rang – Tháp Chàm), một trong số các trường hai năm học qua học sinh không được CSSKBĐ – Ảnh: MINH TRÂN
Các ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), giáo dục, y tế đẩy trách nhiệm cho nhau nên năm học mới 2018-2019, học sinh vẫn chưa được chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) khiến gia đình học sinh tiếp tục bức xúc.
Đóng tiền hoài mà không thấy khám
Một phụ huynh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Phan Rang – Tháp Chàm) phản ảnh: “Con tôi năm rồi học lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng đã đóng tiền nhưng không được CSSKBĐ. Nay cháu lên lớp 10 cũng đã đóng tiếp ngay từ đầu năm học nhưng không thấy nhà trường tổ chức thăm khám sức khỏe gì cả”.
Nhiều phụ huynh bức xúc vì năm nào cũng đóng bảo hiểm y tế (BHYT) để con em được thăm khám sức khỏe, thị lực, răng miệng, theo dõi cột sống, chiều cao, cân nặng… nhưng không được thăm khám.
Ông Đinh Lâu, trưởng Phòng GD-ĐT TP Phan Rang – Tháp Chàm, cho biết từ năm 2015-2016, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế ký thông tư liên tịch số 13-2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên.
Trong khi đó, trong số 40 trường tiểu học và THCS ở TP Phan Rang – Tháp Chàm chỉ có 6 trường đạt chuẩn y sĩ trung cấp, 34 trường còn lại thì nhân viên y tế trường học có trình độ trung cấp dược, điều dưỡng nên không đạt chuẩn.
“Phòng giáo dục đã đề nghị ngành BHXH, Trung tâm y tế TP cho phép các trường có nhân viên y tế chưa đạt chuẩn được ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường để CSSKBĐ cho học sinh theo quy định” – ông Lâu nói.
Đổ qua lại, tỉnh “cầu cứu” bộ
Ông Hà Văn Châu – phó giám đốc BHXH tỉnh Ninh Thuận – cho hay các trường đạt chuẩn nhân viên y tế từ y sĩ trung cấp trở lên đều được BHXH TP Phan Rang – Tháp Chàm trích chuyển kinh phí CSSKBĐ.
Các trường không đủ điều kiện này thì phải ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường để CSSKBĐ. Kinh phí CSSKBĐ của năm học 2017-2018 cũng sẽ trích chuyển sang năm học 2018-2019 và chuyển ngay cho trường nào có gửi hợp đồng với trạm y tế.
Cũng theo ông Châu, hướng dẫn của BHXH VN tại công văn số 3524/BHXH-TCKT ngày 14-9-2016 về điều kiện để được ngành BHXH trích chuyển kinh phí CSSKBĐ cho trường học là trong hợp đồng giữa trường học và trạm y tế có nội dung ràng buộc ngành y tế phải có cam kết bố trí nhân lực có mặt thường xuyên tại trường học để quản lý, bảo vệ và CSSKBĐ cho học sinh và không được CSSKBĐ tại trạm y tế.
Thế nhưng, theo bác sĩ Nguyễn Mười – giám đốc Trung tâm Y tế TP Phan Rang – Tháp Chàm, quy định này không thể được vì ngành y tế không có đủ nguồn nhân lực để thường xuyên có mặt tại trường học. Vì vậy Trung tâm y tế TP không đồng ý cho trạm y tế xã, phường ký hợp đồng với các trường học về khám, CSSKBĐ.
Hai bên chưa thống nhất nên Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết mới đây ông Lưu Xuân Vĩnh, chủ tịch UBND tỉnh này, đã ký văn bản gửi Bộ Y tế, BHXH VN.
Theo ông Vĩnh, quy định trạm y tế phải có cam kết về việc bố trí nhân lực y tế thường xuyên tại trường học đã gây khó khăn trong việc ký hợp đồng giữa trường học với trạm y tế do nguồn nhân lực của các trạm y tế rất hạn chế. Cán bộ, nhân viên trạm y tế còn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân toàn xã, phường.
Sẽ có cách giải quyết
Ông Nguyễn Tá Tỉnh, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN), cho biết quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện nhận kinh phí CSSKBĐ đã có quy định ít nhất phải có một nhân viên y tế, và nhân viên đó phải là của đơn vị như trường học, cơ quan, doanh nghiệp. “Đủ điều kiện này thì BHXH VN mới trích kinh phí CSSKBĐ theo quy định” – ông Tỉnh cho hay.
Ông Tỉnh cũng cho biết mới đây, một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến cần hướng dẫn cụ thể để gắn trách nhiệm vào trạm y tế xã, phường. “Trạm y tế xã, phường là nơi có viên chức, có nhân lực thường xuyên được trả lương.
Khi Bộ Y tế có hướng dẫn gắn trách nhiệm đó với trạm y tế xã, phường, đương nhiên trạm y tế sẽ được nhận khoản kinh phí CSSKBĐ” – ông Tỉnh cho hay. Khi được giao trách nhiệm, trạm y tế cứ chi theo các khoản chi của nhà trường, kết hợp với nhà trường, có thể gọi là ký hợp đồng nhưng cũng có thể chỉ là ký ghi nhớ nội dung sẽ CSSKBĐ trong thời gian học sinh đến trường. Nếu học sinh học cả ngày thứ bảy thì trạm y tế cũng cần có điều tiết nhân lực.
Theo ông Tỉnh, trường hợp không có kinh phí thì mới khó khăn, còn ở đây là đã có kinh phí, chỉ cần có hướng dẫn tháo gỡ là thực hiện được. “Hiện nay kinh phí CSSKBĐ không nằm trong kinh phí khám chữa bệnh giao cho trạm y tế xã mà giao cho y tế trường học, y tế cơ quan, doanh nghiệp. Trong khi y tế trường học, cơ quan lại có quy định hình thành đơn vị CSSKBĐ như sơ cấp cứu, có cơ số thuốc…
Kinh phí CSSKBĐ không chuyển cho trạm y tế thì trạm cũng không có nguồn để chi, không có nguồn để bố trí nhân lực. Tuy nhiên, khi được bố trí kinh phí thì phải có nhân lực để thực hiện chứ không thể nói nhận kinh phí mà không có nhân lực thực hiện được” – ông Tỉnh nói thêm.
Nguồn: tuoitre.vn