Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của đại biểu PHẠM TRỌNG NGHĨA – ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội – về hai phương án tính bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động. Phương án mới được xem là tối ưu nhưng cần thêm điều kiện để đảm bảo khả thi.
Thực tế cho thấy phương án 1 (cách tính lương đóng BHXH hiện hành) chưa bảo đảm quyền lợi tốt cho người lao động. Quy định cứng phụ cấp tính đóng BHXH chỉ có thể thực hiện với doanh nghiệp có thang bảng lương thể hiện các khoản cố định (đa số là doanh nghiệp nhà nước). Nhưng hiện nay mới tính đóng được trên ba loại phụ cấp bao gồm chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).
Ở một số doanh nghiệp vẫn xảy ra tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để “lách, né” đóng BHXH. Không ít doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập của người lao động là loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân đóng BHXH của hơn 17 triệu người tham gia BHXH bắt buộc năm 2022 là 5,73 triệu đồng. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, mức thu nhập bình quân nhóm đối tượng làm công ăn lương là 7,54 triệu đồng/tháng. Mức đóng BHXH bình quân hằng tháng bằng khoảng 75 – 76% mức thu nhập bình quân thực tế.
Có doanh nghiệp trả tổng thu nhập cho người lao động 20 – 30 triệu đồng/tháng nhưng đóng BHXH theo mức lương 5-6 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già như chúng ta hay thấy nhiều người kêu là lương hưu “quá thấp, không đủ sống”.
Với phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Các khoản này gồm xác định từ trước và biến động trong quá trình làm việc. Về ý nghĩa, phương án 2 sẽ bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của người lao động.
Tôi vẫn lo lắng về tính khả thi và khả năng tổ chức thực hiện phương án này. Bởi tiền lương, phụ cấp lương của người lao động có thể biết trước được theo hằng tháng nhưng khoản thu nhập khác lại khó xác định trước. Ví như tiền bổ sung thu nhập theo năng suất hay các khoản khác phải hết tháng, thậm chí cuối quý, cuối năm mới biết được.
Tiền BHXH sẽ thu theo tháng, nếu như không có được cơ sở dữ liệu đủ tốt về thu nhập của người lao động sẽ rất khó cho việc đảm bảo thu chính xác. Từ đó, có thể gây khó cho cả người sử dụng lao động cũng như cơ quan BHXH.
Cần tìm một điểm cân bằng, một mặt vừa đảm bảo tốt hơn cho quyền lợi người lao động, một mặt phải đảm bảo tính khả thi cho các cơ quan thực thi cũng như thuận lợi cho chủ sử dụng lao động.
Đóng đủ để đảm bảo quyền lợi
Theo tôi, điều quan trọng là cần đảm bảo được sự liên thông giữa cơ sở dữ liệu thu nhập của người lao động với cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH. Khi đó sẽ có mức thu chính xác, đảm bảo quyền lợi của người lao động. BHXH cần rất linh động trong việc thu.
Trong đó, tháng này thu ở mức 10 triệu đồng lương cứng và 1 triệu đồng bổ sung khác, nhưng tháng sau có thể thu ở mức 10 triệu đồng lương cứng và 2 triệu đồng bổ sung khác. Như vậy, mới có thể đảm bảo thu đúng, thu đủ.
Bên cạnh đó, chính người lao động cũng phải nhìn nhận đây là quyền lợi sát sườn của mình để đóng đúng, đóng đủ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Thực tế nhiều chủ sử dụng lao động không muốn đóng BHXH ở mức cao cho người lao động, người lao động phải chịu thua thiệt nhiều hơn. Người chủ sử dụng lao động phải thấy được việc mình thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH đầy đủ, chính xác cho người lao động là căn cứ để duy trì, phát triển quan hệ lao động.
– Anh Nguyễn Duy Minh (quận Bình Tân, TP.HCM): Muốn được đóng BHXH ở mức cao
Tôi làm giám sát nhà máy tại một công ty có vốn nước ngoài. Công ty đang đóng BHXH cho tôi ở mức 24,4 triệu đồng gồm trên mức lương cơ bản là 24 triệu đồng và phụ cấp điện thoại khoảng hơn 300.000 đồng. Còn lại là tiền tăng ca mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng sẽ không được tính vào tiền lương tính đóng BHXH.
Nếu quy định đóng trên toàn bộ thu nhập thì tôi sẽ đóng thêm khoảng 500.000 đồng/tháng, công ty đóng thêm cho tôi khoảng 1 triệu đồng thì mức tích lũy hưởng các trợ cấp và lương hưu của tôi sẽ tăng lên đáng kể.
Chẳng hạn nếu trước kia đóng ở mức 24,3 triệu đồng, nếu nghỉ việc thì tôi nhận trợ cấp thất nghiệp ở mức 60% tiền lương đóng BHXH là khoảng 14,5 triệu đồng/tháng. Nếu công ty đóng cho tôi ở mức lương 29,3 triệu đồng thì tôi sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp 17,5 triệu đồng/tháng.
Tôi mong muốn được đóng càng gần với thu nhập thực tế thì càng tốt vì có lợi khi hưởng các chế độ như thất nghiệp, nghỉ đau bệnh và lương hưu.
– Chị Trần Thị Mai (phụ trách nhân sự Công ty dệt len quận Tân Phú, TP.HCM): Chi phí doanh nghiệp sẽ đội lên
Với những công ty đang sử dụng nhiều lao động, việc đóng BHXH cho người lao động dựa trên tổng thu nhập thực tế là rất khó thực hiện. Hầu hết người lao động công ty tôi đều có hai khoản lương là lương căn bản cùng với một số khoản phụ cấp cố định và lương tăng ca. Quỹ lương hằng tháng của công ty là 1,8 tỉ đồng, tổng thu nhập đóng BHXH là 900 triệu đồng, nghĩa là công ty đang đóng BHXH ở mức 50% thu nhập thực tế của người lao động.
Trong tình hình khó khăn như hiện tại, nếu quy định phải đóng BHXH trên 100% thu nhập sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, số tiền phải chi đóng BHXH cho người lao động sẽ tăng lên gấp đôi.
Theo tôi, chỉ cần quy định cứng tỉ lệ mà doanh nghiệp phải đóng BHXH cho người lao động ở mức tối thiểu là bao nhiêu, chẳng hạn phải đóng BHXH tối thiểu 60% thu nhập thực tế của người lao động. Còn lại ở mức cụ thể bao nhiêu thì do doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động, công ty nào đóng mức cao thì xem như là một ưu thế để thu hút tuyển dụng.
VŨ THỦY ghi
Nguồn: tuoitre.vn