Song những khó khăn đó chẳng khiến chị Ngọc Bích (hiện là Giám đốc Khối điều hành và phát triển kinh doanh một công ty bảo hiểm nhân thọ) bỏ cuộc. 15 năm qua, vị giám đốc 7X vẫn giữ nhiệt huyết, đào tạo nhiều thế hệ kế cận. Bởi chị tin rằng nghề bảo hiểm giúp nhiều người chuẩn bị tài chính, chia sẻ rủi ro, nhất là khi biến cố bất ngờ ập đến.
Cô giáo mầm non đi bán bảo hiểm
Cơ duyên đến với nghề bảo hiểm của chị rất tình cờ, thông qua người đồng nghiệp. Mức lương bán bảo hiểm của cô bạn vào năm 2006 có tháng khoảng 32 triệu đồng. Chị ướm chừng một năm chăm chỉ dạy học, bán mỹ phẩm kiếm thêm mới có thể được bằng thế. Nhưng kinh tế chưa hẳn là lý do khiến chị bỏ công việc nuôi dạy trẻ ở tuổi 35.
Nhiều trường hợp bảo hiểm chi trả quyền lợi kịp thời cho khách hàng nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, gặp tai nạn, thương tật, qua đời… Một khoản chi phí phần nào hỗ trợ gia đình vực dậy khi gặp biến cố. Cô giáo mầm non chọn gắn bó với nghề bảo hiểm khi nhận thấy ý nghĩa nhân văn, giúp mọi người dự phòng tài chính cho tương lai. Thế nhưng quyết định của chị chẳng được gia đình ủng hộ.
“Nếu em theo nghề bảo hiểm, tôi sẽ ly dị em”, câu nói của chồng suốt 15 năm qua chị Bích không thể nào quên được. Gạt nước mắt, ẵm con ra khỏi nhà, chị tự nhủ với lòng phải mạnh mẽ để khẳng định bản thân, không phụ thuộc tài chính. Chị cũng tự nhận có nhiều tham vọng trong sự nghiệp nên chẳng muốn an phận. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng có công việc ổn định, ăn lương nhà nước thì không nên làm bảo hiểm.
“Bỏ công việc gõ đầu trẻ, theo đuổi nghề lạ lẫm này, tôi như ‘tay không bắt cướp’. Chưa có kiến thức nền tảng, tôi tìm tòi, chủ động học hỏi để nắm bắt. Công việc bận rộn, lại chẳng được chồng ủng hộ nên con cái phải quen cảnh cơm hàng quán. Có lần tôi mua xôi cho con mang theo đến lớp, lúc quay đi là con quăng hộp xôi vào thùng rác vì nuốt chẳng nổi”, chị Bích trải lòng.
Thương con, chị càng quyết tâm, nỗ lực đến cùng. Người mẹ hai con mong công việc sớm vào guồng, kinh tế ổn định để có thể thảnh thơi nấu cho cả nhà những bữa ăn ngon lành.
Không nản lòng khi bị từ chối như “cơm bữa”
Chị Bích nhớ lại, những năm 2000, bảo hiểm còn mới mẻ với nhiều người Việt, công nghệ chưa phát triển nên tư vấn viên “đời đầu” gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp cận khách hàng, khi đi làm, đưa con đi chơi, đến trường… thấy ở cột điện, xe hay bất kỳ đâu có số điện thoại, chị đều ghi nhớ để về lưu vào sổ tay. Đến giờ, chị vẫn còn giữ những cuốn sổ tay đầu tiên lúc mới vào nghề với chi chít số điện thoại.
“Để trụ vững trong nghề này cần nhất là chữ ‘nhẫn’. Trong suốt 15 năm, tôi không biết bao lần bị từ chối, chỉ nhớ như cơm bữa, có khi nhận lại lời lẽ khó nghe, còn bị nghi lừa đảo”, chị Bích nói.
Chị thường nhắc nhở bản thân, các nhân viên rằng “bảo hiểm là nghề của sự từ chối” nên đừng vội nản chí. Tâm thế tiếp nhận lời từ chối là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người làm dịch vụ.
Theo “luật bình quân 10-5-3-1” cứ 10 người liên lạc để tiếp thị có khoảng 5 người đồng ý cho gặp, 3 người chịu ngồi nghe tư vấn và có thể chỉ bán được một hợp đồng. Nếu thất bại, chị rút kinh nghiệm, xem xét lại mối quan hệ đã đủ tin tưởng, có đánh đúng vào nhu cầu, cho họ thấy lợi ích của bảo hiểm mang lại hay chưa.
Có khi 3 năm, thậm chí hơn 5 năm tính từ lần đầu quen biết, chị mới ký được một hợp đồng. Song nhờ xây dựng những mối quan hệ đó, không ít những cuộc điện thoại bất ngờ gọi đến nhờ chị tư vấn các gói bảo hiểm. Hay khi chứng kiến biến cố của người thân, có kế hoạch chuẩn bị tài chính cho tương lai, họ lại nhớ đến chị. Bên cạnh giải pháp tài chính còn là lời khuyên trong cuộc sống, xem nhau như bạn.
Với chị Bích, hình ảnh chỉn chu mỗi khi xuất hiện cũng rất quan trọng. Nguyên tắc “5 giây kim cương” bằng nụ cười, giọng nói, cử chỉ… còn giúp chị nhận sự thiện cảm từ những giây phút đầu tiên. Chị kể, có lần đến cửa tiệm lựa vải, nụ cười thân thiện, chị được người khách cùng mua mở lời tiếp chuyện, qua hỏi han qua lại dần tin tưởng và tìm hiểu những gói bảo hiểm cho gia đình.
“Truyền lửa” cho thế hệ kế cận
Từ những ngày đầu mới chập chững, chị Bích dần thăng tiến, lên trưởng nhóm kinh doanh, quyền giám đốc, hiện là giám đốc khối điều hành. Chị đào tạo hơn 600 nhân viên, truyền cảm hứng để họ gắn bó với nghề. Theo chị, bảo hiểm chẳng quá kén chọn nhân viên, nhưng là nghề thử thách, khó bám trụ lâu. Những vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền phải có chính sách đãi ngộ hấp dẫn dành cho nhân viên vì đây là một trong những yếu tố sống còn với công ty bảo hiểm.
Theo chị Bích, so với 15 năm trước, bảo hiểm đến gần hơn với khách hàng, được nhìn nhận theo hướng tích cực. Người theo nghề và khách hàng tăng lên theo cấp số nhân. Họ dần bỏ cái nhìn ái ngại, tìm hiểu các giải pháp bảo hiểm để chuẩn bị kế hoạch tài chính cho tương lai. Trong bối cảnh Covid-19, trước biến cố, rủi ro, nghề này được quan tâm nhiều hơn, giúp không ít người có công ăn việc làm, kiếm thu nhập khi thất nghiệp.
Nhờ những đóng góp trong nghề, chị Bích nhiều lần có mặt trong đội ngũ nhân viên xuất sắc của công ty. Người bạn đời cũng dần nhìn nhận nỗ lực của chị trong công việc và ủng hộ để chị chuyên tâm làm việc.
15 năm gắn bó với nghề, không thiếu những lúc khó khăn, có lúc tưởng chừng muốn dừng lại nhưng công việc này cho chị được nhiều hơn mất. Chị có cơ hội phát triển bản thân, mở rộng mối quan hệ xã hội, học cách đối nhân xử thế. Nhưng điều vị giám đốc vui nhất không phải bán được bao nhiêu hợp đồng giá trị, vị trí trong công việc, mà những người mua bảo hiểm không phải gặp biến cố, luôn có sức khỏe, bình an.
Ngọc An
Nguồn: vnexpress.net