Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc vào ngày 23-10.
Góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Đáng chú ý, tại tờ trình nêu về đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.
Tờ trình dẫn nội dung nghị quyết 28 của trung ương có nêu việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và hưởng thụ quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Chính phủ nêu rõ theo nguyên lý bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu.
Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, theo quy định của luật hiện hành là đủ 20 năm.
Tờ trình Chính phủ cho rằng quy định này đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng đủ 20 năm.
Do vậy, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục, cũng có trường hợp làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu, với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Dự thảo cũng bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh), người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Cùng với đó là người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt).
Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
Dự kiến, theo Chính phủ, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung một số quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Như quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng từ 12 tháng trở lên.
Nguồn: tuoitre.vn