Ngày 30-7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin về kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Duy Cường – phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội – cho hay Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025 sẽ thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước; khắc phục tồn tại, hạn chế của luật hiện hành và tăng quyền lợi cho người tham gia.
Cụ thể, luật mới bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Người nhận trợ cấp này phải là công dân Việt Nam từ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Riêng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận trợ cấp hưu trí xã hội khi đủ 70 tuổi.
Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết dự kiến có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được nhận trợ cấp hưu trí xã hội này.
Trong thời gian nhận trợ cấp hưu trí xã hội, người hưởng được Nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Khi chết, tổ chức, cá nhân lo mai táng nhận hỗ trợ chi phí theo quy định về người cao tuổi.
Luật nêu rõ định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mức thấp nhất là 500.000 đồng/người/tháng.
Đây là mức thấp nhất để trợ cấp không quá thấp so với các chính sách khác.
Trả lời câu hỏi về lương hưu đủ sống, theo ông Cường, người hưởng lương hưu, nhất là nhóm về hưu trước năm 1995 sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu 23 lần. Theo đó, lương hưu tăng từ 21-26 lần so với lương hưu tại thời điểm năm 1995.
“Luật Bảo hiểm xã hội mới điều chỉnh giảm thời gian đóng tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, mục tiêu tạo cơ hội nhiều người hưởng lương hưu, nếu đóng dài hơn thì tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn”, ông Cường nói thêm.
Nguồn: tuoitre.vn