Bộ trưởng Xã hội và y tế Pháp, bà Marisol Touraine, đến thăm Công ty ATER hồi đầu tháng 3 vừa qua – Ảnh chụp màn hình |
Các công ty bảo hiểm cũng đang nhờ cậy các công ty truy tìm người để tìm người thừa kế các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Câu chuyện về bảo hiểm không chỉ có chuyện điều tra những trường hợp cố tình lập mưu để lấy tiền từ các hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Ở chiều ngược lại, không ít trường hợp các hợp đồng bảo hiểm bị bỏ ngăn kéo vì không ai chịu tìm những người kế quyền (người thừa kế hay vợ/chồng còn sống) hợp pháp.
Không báo bị phạt nặng
Ngày 17-7-2013, Tòa án Kiểm toán của Pháp đã công bố báo cáo báo động tình hình các tài khoản ngân hàng và sổ tiết kiệm không hoạt động cũng như các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không người thừa kế.
Báo cáo ghi nhận tổng số tiền tồn đọng từ các tài khoản và sổ tiết kiệm không hoạt động lên đến 1,2 tỉ euro, còn tổng số tiền từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không người thừa kế khoảng 2,76 tỉ euro.
Để giải quyết các khoản tồn đọng này, vào ngày 13-6-2014, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật số 2014-617 liên quan đến các tài khoản ngân hàng không hoạt động và các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không người thừa kế (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016).
Luật được gọi tắt là luật Eckert, mang tên Quốc vụ khanh phụ trách ngân sách Christian Eckert là người soạn thảo dự luật. Báo Le Monde ghi nhận theo tinh thần chung, luật Eckert bắt buộc các ngân hàng và công ty bảo hiểm phải thông báo cho chủ tài khoản hay người kế quyền biết tài khoản hay hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không hoạt động để khách hàng xử lý.
Hằng năm các ngân hàng và công ty bảo hiểm phải tra cứu danh bạ nhân dạng cá nhân của Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp để xác định xem chủ tài khoản hay người mua bảo hiểm còn sống hay không.
Trước đây, các tài khoản không hoạt động được ghi vào tài khoản của ngân hàng và các ngân hàng được quyền lưu giữ 30 năm. Nay luật Eckert xác định tiền đó thuộc quyền quản lý của nhà nước.
Luật bắt buộc sau ba năm kể từ ngày chủ tài khoản qua đời hoặc sau 10 năm kể từ ngày tài khoản không hoạt động, tài khoản sẽ được chuyển vào quỹ ký thác. Người thụ hưởng có thời gian 27 năm để đề nghị nhận lại tiền. Sau thời hạn này, quỹ ký thác sẽ chuyển tiền cho kho bạc nhà nước.
Ở Pháp, Cơ quan Kiểm soát cẩn trọng và giải quyết (ACPR) làm nhiệm vụ giám sát các ngân hàng và công ty bảo hiểm. ACPR có thẩm quyền điều tra và xử phạt các đơn vị vi phạm. Trường hợp tiêu biểu như Công ty bảo hiểm Allianz. ACPR đã ban hành quyết định ngày 19-12-2014 phạt Allianz 50 triệu euro.
Từ năm 2009, Allianz đề ra quy định nội bộ rằng chỉ xác minh các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà người mua trên 90 tuổi và hợp đồng trị giá hơn 2.000 euro.
Quy định này trái với luật bảo hiểm bởi luật quy định công ty bảo hiểm phải tìm người kế quyền khi người ký hợp đồng qua đời ở bất kỳ độ tuổi nào. Để xác minh, ACPR lấy ngẫu nhiên hồ sơ của Allianz, từ đó phát hiện Allianz không tìm kiếm người kế quyền của 52% số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Các công ty bảo hiểm Cardif (chi nhánh của Ngân hàng BNP Paribas) và CNP cũng từng bị ACPR phạt lần lượt là 10 triệu euro và 40 triệu euro.
Ngoài việc tự ý hạn chế truy tìm người thụ hưởng hợp đồng, các công ty bảo hiểm còn có mánh khóe kéo dài thời gian bồi thường. Đã xảy ra trường hợp năm 2010 người kế quyền mới được thông báo hợp đồng trong khi người ký hợp đồng đã chết từ… thập niên 1970.
Kiếm tiền nhờ “truy tìm người thụ hưởng”
Hiện nay các ngân hàng phải tìm cách giải thích cho khách hàng nếu tài khoản hay sổ tiết kiệm của họ không giao dịch trong nhiều năm, từ tháng 7-2016 tài khoản hay sổ tiết kiệm của họ sẽ có nguy cơ bị chuyển sang quỹ ký thác.
Nếu khách hàng vẫn “án binh bất động”, sáu tháng sau lần thông báo đầu tiên, ngân hàng sẽ chuyển khoản này sang quỹ ký thác.
Nếu không thực hiện luật Eckert, các ngân hàng hay công ty bảo hiểm có nguy cơ bị phạt rất nặng.
Tuy nhiên, có nhiều tài khoản hay hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thuộc các trường hợp như người thụ hưởng còn sống nhưng không xác định được nơi cư trú, người thụ hưởng chết từ lâu mà ngân hàng không biết hoặc người thụ hưởng đã chết và không ai thừa kế. Cũng có trường hợp người thứ ba mở tài khoản, sau đó người thụ hưởng ít sử dụng nên… quên luôn.
Trong trường hợp khó như thế, báo La Croix ghi nhận các công ty bảo hiểm đã phải nhờ cậy các công ty điều tra dân sự. Đứng đầu thị trường điều tra dân sự và truy tìm người thụ hưởng tại Pháp là Công ty Điều tra và truy tìm ở Tours (ATER).
Công ty ATER ra đời tại Tours năm 1988, đặt văn phòng ở Montbazon thuộc tỉnh Indre-et-Loire, cách thủ đô Paris khoảng 250km, đạt doanh số khoảng 12 triệu euro.
Ban đầu công ty chuyên làm công việc thu hồi nợ, đến đầu thập niên 2000 thì tận dụng cơ hội các văn bản luật mới ra đời nên chuyển sang công việc điều tra dân sự và truy tìm người thụ hưởng.
Theo trang web của công ty, công ty hiện sử dụng 120 nhân viên điều tra dân sự. Từ tháng 6-2014 đến cuối năm ngoái, công ty đã tìm ra gần 58.000 người kế quyền của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Tổng giám đốc của ATER, ông Olivier Oria, giải thích: “Chúng tôi không làm việc như thám tử tư đi điều tra thực địa. Toàn bộ công việc điều tra của chúng tôi đều được thực hiện từ văn phòng qua điện thoại”.
Phó giám đốc François Le Blouc’h tiếp lời: “Chúng tôi có rất ít thông tin. Công ty bảo hiểm chỉ cho biết tên chủ hợp đồng rồi nhờ chúng tôi truy tìm người này hoặc những người kế quyền nếu người này đã chết”.
Công việc điều tra và truy tìm cũng rất khó nhằn. Có một số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký cách đây hơn 50 năm với địa chỉ cũ nên tìm cũng… bở hơi tai. Qua điều tra, các nhân viên công ty còn biết thêm nhiều bí mật gia đình hay cuộc sống hai mặt của người thụ hưởng hợp đồng nhưng không tiện tiết lộ chi tiết.
Tìm được người thụ hưởng còn mang ý nghĩa khác là đánh thức đồng tiền ngủ yên trong các tài khoản không hoạt động để bơm trở lại vào dòng tiền lưu thông, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc dân.
Luật định rõ ràng Luật Eckert đã đưa ra định nghĩa cụ thể hơn về khái niệm “tài khoản không hoạt động”. Một tài khoản ngân hàng được xem là không hoạt động trong hai trường hợp: – Sau 12 tháng liên tiếp, tài khoản đó hội đủ hai điều kiện: không có giao dịch nào khác ngoài các giao dịch từ ngân hàng (thu phí, trả lãi…); chủ tài khoản không hiện diện trước ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào và không giao dịch đối với tài khoản nào khác trong cùng ngân hàng. – Trong 12 tháng sau khi người thụ hưởng qua đời mà không có bất kỳ người kế quyền nào đến giao dịch. Đối với tài khoản tiết kiệm, điều kiện được xem là tài khoản không hoạt động tương tự như tài khoản ngân hàng, chỉ trừ mốc 12 tháng nêu trên được tính với mốc năm năm. |
Nguồn: tuoitre.vn