Người khám chữa bệnh được cấp lại thẻ trong ngày
Theo ông Trần Quốc Túy, Phó ban Quản lý thu sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), thẻ BHYT là một trong những giấy tờ quan trọng và là thủ tục bắt buộc phải có đối với người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT (trừ một số trường hợp như trẻ dưới 6 tuổi và người chưa được cấp thẻ BHYT).
Từ ngày 1.4, việc cấp, đổi thẻ BHYT theo mẫu mới sẽ bắt đầu được triển khai trong cả nước. Những trường hợp được cấp bao gồm: thẻ cũ mất, rách, hỏng, thay đổi thông tin.
Để được cấp thẻ BHYT mẫu mới, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan BHXH các địa phương, người dân có thể vào Cổng dịch vụ công của BHXH, tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn để tải mẫu tờ khai (mẫu TK1-TS) đăng ký online hoặc in ra nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH.
Ngoài tờ khai, hồ sơ đổi thẻ mẫu mới còn quy định thêm giấy tờ bổ sung trong một số trường hợp như: người hiến tạng có thêm giấy xác nhận hoặc giấy ra viện; những người trong diện hưởng quyền lợi BHYT cao hơn thì bổ sung giấy tờ chứng minh nếu có. Đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, đại lý thu hoặc nhà trường phải hoàn thiện hồ sơ và gửi cho BHXH Việt Nam.
Về thời gian làm thẻ, ông Túy cho hay, tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan BHXH sẽ cấp lại thẻ sẽ căn cứ vào quy định cấp thẻ cho người dân, nhưng không quá 5 ngày khi nhận đủ hồ sơ, cụ thể:
Đối với cấp thẻ mới, thời gian không quá 5 ngày.
Đối với người thay đổi thời hạn cấp thẻ, không quá 3 ngày.
Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhận thẻ mới không quá 2 ngày.
Trường hợp không thay đổi thông tin trên thẻ, được cấp lại trong ngày.
Đặc biệt, đối với người dân đang cần gấp để đi khám chữa bệnh sẽ được cấp lại trong ngày.
Trong trường hợp đang chờ cấp lại thẻ thì người dân vẫn có thể đi khám, chữa bệnh theo BHYT bình thường bằng cách xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ do cơ quan BHXH nơi nộp hồ sơ cấp lại thẻ cấp) và một loại giấy tờ chứng minh nhân thân của mình có ảnh như giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe…
Chưa thể tích hợp thẻ BHYT mới vào căn cước công dân
Để thuận tiện hơn cho người đi khám chữ bệnh, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cơ quan này đã đưa ứng dụng VssID-BHXH số lên hệ thống. Trong đó, thí điểm dùng ảnh thẻ BHYT trên VssID thay thẻ giấy khi đi khám chữa bệnh tại 10 tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum.
Trên ứng dụng VssID, hơn 87 triệu người đều có thẻ BHYT điện tử bằng cài mã. Toàn bộ thông tin của người tham gia BHYT đã cập nhật trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, quản lý tập trung tại BHXH Việt Nam và sử dụng trên toàn quốc. Cơ sở y tế chỉ cần nhập mã thẻ BHYT của người bệnh lên hệ thống sẽ biết được thông tin chủ thẻ, chế độ hưởng.
Dự kiến, trong năm 2021, sẽ có 30 triệu người cài đặt, sử dụng VssID trên điện thoại thông minh. BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu mở rộng sử dụng thẻ BHYT số trên ứng dụng VssID tại các địa phương khác. Người dân có thể sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID này đi khám chữa bệnh.
Về việc tích hợp thẻ sử dụng thẻ BHYT vào căn cước công dân, ông Liệu cho biết, trước đây cơ quan này cũng đã xây dựng đề án thay thế thẻ BHYT giấy sang thẻ điện tử có có gắn chip và xin ý kiến các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng.
“Với trách nhiệm ngành, chúng tôi đã tính toán nếu cấp thẻ chip thì thay đổi rất lớn, vừa có một số tiện ích và vừa có một số thay đổi lớn. Nếu 90 triệu dân, mỗi 1 thẻ, tính mệnh giá tổ chức từ in tới cấp trung bình 50.000 đồng/thẻ, thì tốn ngân sách 4.500 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn, nhưng tính hiệu quả thì chưa chắc gắn chip đã tốt hơn”, ông Liệu nói.
Tuy nhiên, theo ông Liệu, tới đây, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị sửa luật BHXH và luật BHYT để có thể cho phép tích hợp người có cùng mã số công dân và BHYT cùng nhau.
“Muốn làm được cần phải có lộ trình và phải sửa luật. BHXH Việt Nam sẽ đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội để có thể đồng bộ mã BHXH, BHYT với căn cước công dân. Nếu làm được điều này, người dân không cần mang thẻ BHYT đi khám chữa bệnh mà chỉ cần căn cước”, ông Liệu nói.
Nguồn: thanhnien.vn