Quy định mới về chế độ thai sản đã thu hút sự chú ý, nhưng không ít người vẫn băn khoăn về thời gian nghỉ cụ thể. Chị Trần Hiền (33 tuổi), làm việc ở đường Phùng Khắc Khoan, P.Tân Định (Q.1 cũ), TP.HCM, thắc mắc: “Người chồng có được nghỉ hẳn 60 ngày khi vợ sinh con không? Quy định mới thay đổi thế nào so với trước đây?”.

Chị Hiền thắc mắc người chồng sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày khi vợ sinh con
ẢNH: NVCC
Theo bà Phạm Thị Bích Vân, Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người tham gia của Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII (TP.HCM), lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong vòng 60 ngày đầu kể từ khi vợ sinh, thay vì 30 ngày như trước đây. Số ngày nghỉ cụ thể được quy định như sau: 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường; 7 ngày làm việc nếu vợ sinh phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc khi vợ sinh đôi; 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi và phải phẫu thuật.
Bà Vân cho biết trường hợp vợ sinh 3 trở lên, cứ mỗi con từ con thứ ba được cộng thêm 3 ngày làm việc. Nếu sinh 3 trở lên và phải phẫu thuật, số ngày nghỉ cũng được cộng thêm 3 ngày cho mỗi con từ con thứ ba.
“Điểm mới đáng chú ý là người lao động có thể chia nhỏ thời gian nghỉ, nhưng lần nghỉ cuối cùng phải nằm trong 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh. Tổng số ngày nghỉ không được vượt quá mức quy định cho từng trường hợp”, bà Vân chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết lao động nam không được nghỉ trọn 60 ngày như nhiều người nhầm tưởng, mà chỉ được nghỉ số ngày cụ thể tùy theo từng trường hợp, miễn là thời điểm bắt đầu nghỉ nằm trong khung 60 ngày kể từ khi vợ sinh. Trường hợp nghỉ nhiều lần, đợt nghỉ cuối cùng phải đảm bảo nằm trong khoảng thời gian này. Tổng số ngày nghỉ vẫn phải tuân thủ theo mức đã được luật định, theo khoản 3 Điều 53 luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong vòng 60 ngày đầu kể từ khi vợ sinh, thay vì 30 ngày như trước đây
ẢNH: AN VY
Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (TP.HCM), cho rằng chính sách này tương tự khái niệm “paternity leave” (nghỉ làm cha) ở các nước phát triển. Đây là quyền lợi quan trọng, giúp người chồng có thời gian hỗ trợ vợ chăm sóc con trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Ở các nước Bắc Âu, chính sách này đã được áp dụng từ lâu với mức hỗ trợ cao. Ví dụ, tại Thụy Điển, người cha được nghỉ 90 ngày và hưởng 80% lương, tổng thời gian nghỉ của cả cha mẹ có thể lên đến 480 ngày. Tại Na Uy, người cha được nghỉ 15 tuần với mức hưởng 100% lương nếu nghỉ 49 tuần hoặc 80% nếu nghỉ 59 tuần.
Theo ông Đán, việc cho phép nam giới nghỉ phép để chăm con là rất cần thiết. Xét về mặt xã hội, người phụ nữ sau sinh dễ rơi vào trầm cảm do vừa do đau đớn thể chất, vừa do thay đổi không gian và cuộc sống. Trẻ sơ sinh trong những tháng đầu rất cần được chăm sóc kỹ lưỡng vì dễ mắc bệnh. Người mẹ lúc này lại thường rất mệt mỏi nên cần sự hỗ trợ của người chồng, nhất là trong hoàn cảnh nhiều gia đình trẻ ở thành phố không có ông bà phụ giúp.
Ông Đán cho rằng việc để người cha cùng chăm con sẽ cải thiện chất lượng sống, giảm trầm cảm sau sinh và tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Đây là một chính sách nhân văn, đáng được khuyến khích và phổ biến rộng rãi.
Nguồn: thanhnien.vn