Tháo gỡ khó cho doanh nghiệp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: TTXVN
Cụ thể, theo quy định của Nghị định 05 của Chính phủ cũng như thông tư 47 và thông tư 59 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trước năm 2018, căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội chỉ có lương và phụ cấp và từ năm 2018 sẽ thêm các “khoản bổ sung khác”.
Từ quy định này, nhiều người lao động cho rằng sẽ phải đóng trên tổng thu nhập. Tuy nhiên, ông Mai Đức Thắng khẳng định, các khoản bổ sung phải mang tính cố định mới đưa vào làm căn cứ để tính đóng BHXH. Như vậy, người lao động không phải đóng trên tổng thu nhập mà chỉ đóng trên tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mang tính cố định được ghi trong hợp đồng lao động.
Về cơ bản, cách tính mới không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người lao động. Hiện tiền lương đóng BHXH trong khu vực hành chính sự nghiệp là 4,3 triệu đồng, khu vực doanh nghiệp là khoảng 4,8 triệu đồng. Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, theo BHXH Việt Nam thống kê chỉ chiếm khoảng 60% tổng thu nhập thực tế của người lao động hiện nay. Vì quy định của pháp luật nên ở các doanh nghiệp hiện nay lúc nào cũng có 2 bảng lương, một bảng dùng đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN và một bảng lương là thực trả của doanh nghiệp.
Ông Mai Đức Thắng cũng thừa nhận sẽ có tình trạng doanh nghiệp chuyển các khoản bổ sung khác theo hình thức tăng hoặc giảm các tháng khác nhau để không phải đóng BHXH. Tình trạng này sẽ khó kiểm soát bởi theo quy định hiện nay, phụ cấp và các khoản bổ sung khác do doanh nghiệp tự điều chỉnh”.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Tiền lương đúng theo nghĩa thực chất phải chiếm đến 70%, các khoản bổ sung khác chỉ chiếm 30%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang tính khoản lương ở mức thấp, thậm chí chỉ chiếm 50%, còn lại là khoản bổ sung, phụ cấp dẫn đến tình trạng làm thêm giờ, tăng ca… nên nền tiền lương đóng BHXH thấp, gây thiệt thòi cho người lao động.
Nguồn: tuoitre.vn