Tư vấn sai sẽ bị phạt 100 triệu đồng
Tại dự thảo mới tiếp thu các ý kiến về Nghị định sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính vẫn giữ đề xuất tăng mức phạt tiền với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm và nghiệp vụ, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị xử phạt 80 – 100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin về quy tắc, điều kiện, điều khoản và các tài liệu tóm tắt, minh họa quyền lợi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Mức này cũng áp dụng với vi phạm khi bán bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe.
Mức phạt đến 100 triệu đồng cũng áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp bảo hiểm vi mô thanh toán, chi trả hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và quyền lợi khác không theo quy định…
Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ đề xuất phạt 30 – 50 triệu đồng đối với những vi phạm trong cung cấp tài liệu bảo hiểm thay vì mức 90 – 100 triệu đồng trước đó. Mức xử phạt này sẽ áp dụng nếu doanh nghiệp không cung cấp tài liệu hoặc tài liệu giới thiệu khiến người mua hiểu lầm về sản phẩm như: không nêu rõ được quyền lợi, loại trừ trách nhiệm; không cung cấp bằng chứng ký kết hợp đồng hoặc đe dọa, cưỡng ép ký kết hợp đồng.
Xử phạt tư vấn bảo hiểm sai 100 triệu đồng có đủ tính răn đe?
Tại dự thảo, mức xử phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về môi giới bảo hiểm. Doanh nghiệp môi giới có thể bị phạt tiền 20 – 40 triệu đồng nếu hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng ký hợp đồng; xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng đang có hiệu lực để mua mới. Doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền 40 – 60 triệu đồng nếu tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm với các điều khoản kém cạnh tranh hơn nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn hoặc cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng người trực tiếp môi giới không đủ điều kiện, mức phạt đề xuất sẽ 50 – 70 triệu đồng…
Chưa đủ răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán – thành viên Hội Luật gia Việt Nam – cho rằng mức xử phạt tối đa trong vi phạm hoạt động bảo hiểm nói chung tối đa cho cá nhân là 100 triệu đồng và đối với doanh nghiệp 200 triệu đồng là thấp. Các doanh nghiệp bảo hiểm hàng năm doanh thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng thì mức phạt chỉ 100 triệu hay thậm chí 200 triệu đồng cũng chỉ như “muối bỏ biển”.
Nếu như mức tối đa không thể vượt quá 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp hay 100 triệu đồng đối với cá nhân thì theo ông , mức phạt phải tính theo từng trường hợp. Ví dụ, doanh nghiệp tư hay cá nhân tư vấn bảo hiểm sai 100 trường hợp thì phải nhân với số tiền xử phạt 100 triệu đồng/trường hợp. Không thể đánh đồng chung là doanh nghiệp tư vấn sai đến 100 trường hợp cũng chỉ bị phạt 100 triệu đồng hay 200 triệu đồng như doanh nghiệp chỉ sai 1 hay 2 trường hợp.
Đồng thời, cần có thêm quy định cả cá nhân môi giới bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử phạt song song cùng doanh nghiệp bảo hiểm. “Việc tư vấn bảo hiểm sai, không trung thực thời gian qua đã gây ra hệ lụy lớn cho nhiều người dân và cả nền kinh tế. Nếu tác hại quá lớn, quá nhiều người bị ảnh hưởng thì với tội lừa dối khách hàng còn có thể chuyển sang xem xét hình sự khi Bộ luật Hình sự 2015 có quy định các trường hợp. Mức xử phạt hành chính bằng tiền như dự thảo là còn quá thấp nên phải được tính theo từng trường hợp mà không phải gộp chung nhiều trường hợp”, chuyên gia Trần Nguyên Đán nói.
Nguồn: thanhnien.vn