Liên quan nội dung hưởng bảo hiểm xã hội một lần, theo báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chính phủ đề xuất 2 phương án.
Cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu, chủ trương Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Quy định đề ra hướng tới việc đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau, hạn chế số người hưởng một lần. Đánh giá chung, mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định.
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan và trực tiếp người lao động (cả người lao động đang tham gia và đã hưởng một lần).
Chính phủ cho rằng, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm đạt được mục tiêu của Đảng tại nghị quyết 28, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, cần phải thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp.
Cùng với các chính sách nhằm gia tăng lợi ích, nhà nước khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được quy định tại dự thảo luật này.
Đồng thời các phương án cũng phải thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan, hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt cho người lao động.
Nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ tiếp tục thống nhất trình và đề nghị Quốc hội xem xét quyết định lựa chọn 1 trong 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
2 phương án quy định việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần đối với người lao động chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm như sau:
Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 là người tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy với nhóm này, việc rút bảo hiểm một lần giữ nguyên như Nghị quyết 93 hiện hành.
Nhóm 2 là người tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật này có hiệu lực trở đi không được áp dụng quy định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung nhiều quyền lợi với người lao động lựa chọn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, không rút bảo hiểm một lần (để sau này được hưởng trợ cấp).
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần yêu cầu rút bảo hiểm nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng giảm.
Cụ thể, tháng 11/2023 có 81.512 người rút bảo hiểm xã hội một lần, giảm 7% so với cùng kì năm 2022. Tháng 12/2023, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục giảm 17% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, bước sang tháng 2/2024, cơ quan Bảo hiểm xã hội thống kê thấy chỉ còn 70.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần.
Nguồn: dantri.com.vn