Tại họp báo về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 16-3, ông Nguyễn Duy Cường – vụ phó Vụ bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – đã nêu một số điểm chính quan trọng của dự thảo.
Hoãn xuất cảnh doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội?
Ông Cường cho biết hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án một là người lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện thì được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án hai điều kiện tương tự như phương án một nhưng bổ sung mức rút bảo hiểm xã hội một lần là 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Ông Cường cho hay có khoảng 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần/năm với xu hướng tăng lên. Nếu người lao động cứ khó khăn lại rút một lần thì sau này sẽ không có lương hưu. Do vậy, phương án hai giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt và lương hưu lâu dài.
“Người lao động có công việc ổn định thì mới không nhận bảo hiểm xã hội một lần. Về lâu dài, cần có thêm chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tiền thuê nhà vừa qua”, ông nói.
Ông Cường nêu rõ số tiền chậm đóng bảo hiểm phải thu tính lãi có xu hướng giảm xuống 2,91% (hết năm 2022). Tuy vậy, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội còn tồn tại.
Do đó, dự thảo quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày như tiền chậm nộp thuế) hay hoãn xuất nhập cảnh, ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm.
Công đoàn và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng có thể khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm ra tòa án.
Đề xuất trợ cấp hưu trí xã hội cho người về hưu
Theo ông Cường, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Người đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách. Việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội hướng tới mục tiêu đảm bảo tất cả người cao tuổi có ít nhất một khoản tiền trang trải cuộc sống.
Cùng với đó, dự thảo đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm để giảm thiệt thòi cho người lao động.
Vụ phó Vụ bảo hiểm xã hội phân tích vừa qua khoảng 20.000 người nghỉ hưu không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm đã phải đóng bù các năm thiếu một lần để hưởng lương hưu. Khoảng 300.000 người khác rút bảo hiểm xã hội một lần dù đóng bảo hiểm xã hội từ 10 năm trở lên.
“Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội giảm đi thì nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu hơn. Dù lương hưu có thể thấp hơn người đóng dài nhưng mức này điều chỉnh thường xuyên kèm bảo hiểm y tế“, ông Cường nói rõ.
Còn theo ông Lê Hùng Sơn – phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan an sinh xã hội chỉ giữ hộ tiền của người lao động trong quỹ bảo hiểm và hỗ trợ người lao động về hưu bằng nhiều chính sách như tử tuất, bảo hiểm y tế.
Ông khuyên người lao động cần cân nhắc lựa chọn lợi ích lâu dài như lương hưu thay vì chọn rút bảo hiểm một lần rồi thiệt thòi.
Nguồn: tuoitre.vn