Buổi tọa đàm nhằm tuyên truyền, phổ biến và giải đáp thắc mắc của người dân về các chính sách, quy định có liên quan.
Chính sách BHYT từ năm 2019 có gì mới ?
Tại buổi tọa đàm (diễn ra vào chiều 22.3), ông Lâm Phong, Giám đốc bảo hiểm xã hội (BHXH) quận 5, đã thông tin đến người dân những điểm mới trong chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) từ năm 2019.
Theo đó, từ năm 2019, sẽ không in, cấp mới thẻ BHYT mà cơ quan BHXH sẽ cấp nối tiếp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu. Như vậy, người tham gia BHYT vẫn tiếp tục sử dụng thẻ đã được cấp năm 2018; đây cũng chính là lý do trên thẻ BHYT năm 2018 đã không còn ghi thời hạn sử dụng của thẻ mà chỉ ghi ngày bắt đầu có giá trị sử dụng.
Ngoài ra, ông Phong cho biết sẽ triển khai thực hiện thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ giấy. Do đó, sẽ không còn tiền lệ mỗi năm cấp thẻ BHYT một lần như trước đây, thay vào đó, tất cả các thông tin về quá trình tham gia BHYT sẽ được cập nhật trên thẻ điện tử.
Từ năm 2019, thời hạngiải quyết cấp thẻ BHYT rút từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Khi cấp lại, đổi thẻ BHYT, nếu không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Từ ngày 1.1.2019, thời gian giải quyết cấp thẻ BHYT được thực hiện trong ngày (24 giờ).
Cũng theo lộ trình trên, trường hợp thay đổi thông tin sổ BHXH, thẻ BHYT sẽ được cơ quan BHXH xử lý không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, việc thực hiện trong ngày. Việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện tại cơ quan BHXH quản lý thu và cấp thẻ BHYT trước đó.
Đáng chú ý, ông Phong thông tin mức đóng BHYT sẽ tăng đối với nhiều đối tượng vì từ ngày 1.7.2019, mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết 70/2018/QH14. Trong khi đó, luật BHYT quy định, mức đóng BHYT hằng tháng của các đối tượng sau đây bằng 4,5% mức lương cơ sở:
– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;
– Người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày;
– Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng.
– Người tham gia BHYT hộ gia đình.
Điều này đồng nghĩa, mức đóng BHYT của các đối tượng nêu trên sẽ tăng theo.
|
Nhà 10 người, mua BHYT hộ gia đình cho 3 người được không ?
Chị Hải Yến (32 tuổi, ngụ P.7, Q.5) là người đăng ký mua 2 thẻ BHYT cho người thân. Chị chia sẻ: “Mua BHYT dĩ nhiên là có lợi. Nhà tôi có nhiều người bệnh, mỗi lần điều trị thì số tiền phải trả ít hơn rất nhiều, chỉ trả 1/3 hoặc ít hơn nữa, rất nhẹ gánh mà mỗi năm mình đóng có 1 lần, không bao nhiêu tiền cả. Hiện tại, tôi cũng nói anh em trong nhà mua BHYT hộ gia đình hết”.
Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn còn thắc mắc về các thủ tục và trúc trắc về giấy tờ cũng như số lượng người cần mua BHYT trong nhà nên chưa quyết định mua ngay hoặc đã có thẻ BHYT nhưng thời hạn trên thẻ “khó hiểu”.
Bà Liên (65 tuổi, ngụ KP.5, P.9, Q.5) nêu ý kiến: “Mấy chục năm nay tôi được cấp thẻ BHYT liên tục nhưng đợt cấp thẻ vừa rồi thì lại thấy trên thẻ của tôi ghi còn mấy tháng nữa mới đủ 5 năm liên tục. Tôi không hiểu điều này. Nếu đến lúc chúng ta được đổi từ thẻ giấy sang thẻ điện tử thì có bị ảnh hưởng gì không? Ở chỗ tôi có người thắc mắc, nếu nhà họ có 10 người mà chỉ muốn mua BHYT hộ gia đình cho 3 người thì có được hay không?”.
Trả lời bà Liên, ông Phong cho rằng: “Trường hợp có 10 người mà chỉ muốn mua BHYT hộ gia đình cho 3 người thì vẫn mua được. Chị có thể thông tin đến hộ này là họ có thể mua tại Bưu điện trung tâm Chợ Lớn. Còn trường hợp thẻ chị in thời gian để đủ 5 năm có thể có sự nhầm lẫn, chị đến trực tiếp cơ quan BHXH Q.5 sẽ có người kiểm tra và in lại thẻ. Trường hợp đổi từ thẻ BHYT giấy sang thẻ điện tử thì dữ liệu về thông tin của người tham gia đều được giữ nguyên và không bị ảnh hưởng quyền lợi”.
Một hộ dân ở P.15 (Q.5) thắc mắc: “Trong khu phố tôi ở, có 1 gia đình nhưng có tới 2 – 3 hộ khẩu. Thì cái hộ khẩu sau cùng có được tính theo mức được miễn giảm hay không? Chuyện thứ hai là bản thân tôi mua BHYT vào tháng 3, thẻ được cấp từ ngày 5.4. Khi đi khám bệnh thì bệnh viện chỉ cấp thuốc cho tôi tới ngày 5.4 thôi, không cấp thuốc tiếp. Bình thường mình đi mua mình được cấp thuốc nửa tháng hoặc 1 tháng. Cái này mình mất công đi khám thêm lần nữa. Có cách nào để khắc phục chuyện này?”.
Giám đốc BHXH Q.5 giải đáp: “Một gia đình có nhiều hộ khẩu thì mua BHYT hộ gia đình đều được. Tuy nhiên chỉ để có cơ sở tính giảm trừ thì chỉ các thành viên trong sổ hộ khẩu đó mới được tính giảm trừ. Còn trường hợp thời hạn trên thẻ như chị nói, các bệnh viện khi cho thuốc chỉ cho đến số ngày hết hạn thẻ. Ví dụ thẻ BHYT có thời hạn đến ngày 31.12 mà ngày 20.12 chị đi khám bệnh thì bác sĩ chỉ cho thuốc đến hết ngày 31.12 thôi, sau đợt điều trị đó thì chị tiếp tục đi khám lấy thuốc và dùng thẻ BHYT mới gia hạn tiếp theo”.
Sau buổi hội nghị, nhiều người đã đăng ký mua BHYT hộ gia đình với tổng cộng 21 thẻ.
Quyền lợi khi thẻ BHYT đủ 5 năm liên tụcTheo luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, từ ngày 1.1.2015, các trường hợp có thẻ BHYT đã tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục kể từ ngày tham gia và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo. Khi được cấp giấy chứng nhận này, người tham gia BHYT không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám chữa bệnh (chỉ áp dụng đối với trường hợp đi khám chữa bệnh đúng tuyến).
Người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
Để được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh khi tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
+ Tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên;
+ Có số tiền cùng chi trả chi phí chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
+ Đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến.
Đối tượng được BHYT chi trả 100% gồm:
– Trẻ em dưới 6 tuổi.
– Đối với người có công với cách mạng.
– Đối tượng đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.
– Đối tượng khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.
– Trong trường hợp tổng chi phí 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương
cơ sở.
– Đối tượng tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên tính từ thời điểm đi khám chữa bệnh đúng tuyến và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Người bệnh có trách nhiệm lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BHXH cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”.
BHYT sẽ chi trả 95% cho các đối tượng sau:
– Đối với người đang hưởng lương hưu, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
– Người thuộc hộ gia đình nghèo.
– Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
– Thân nhân của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, con đẻ).
Đối với các đối tượng tham gia BHYT khác không thuộc đối tượng hưởng trên (bao gồm cả người lao động tham gia BHYT bắt buộc và tự nguyện) phải đồng chi trả 20%.
|
Nguồn: thanhnien.vn