Theo ông Nguyễn Duy Cường – vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đại diện ban soạn thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhấn mạnh cơ quan chuyên môn đã có phương án giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội.
Không đề xuất dùng ngân sách hỗ trợ người lao động bị nợ bảo hiểm
Qua rà soát, ông Cường cho biết các bên liên quan xác định có trên 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội. Những người này thuộc đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục phá sản hoặc giải thế và chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Khoảng 20% đủ điều kiện hưởng chế độ như lương hưu, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần được giải quyết theo quy định. Khoảng 40% nữa đang tiếp tục làm việc ở đơn vị mới sẽ được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm nhưng không cộng số tháng đang nợ. Trường hợp cơ quan bảo hiểm thu hồi được các khoản nợ thì sẽ bổ sung, điều chỉnh mức hưởng. Trong khi đó, 20% khác đã nghỉ việc (không tham gia bảo hiểm xã hội) sẽ được bảo lưu thời gian đóng để cộng tiếp khi đi làm lại hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Còn lại là trường hợp phát sinh khác.
Ông Cường nói rõ mục tiêu của đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội nhằm điều chỉnh lương đóng lương hưu cho người lao động, nên dự thảo không đề cập đến việc dùng tiền để hỗ trợ người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội. Quốc tế cũng rất ít quốc gia dùng tiền đầu tư quỹ này để hỗ trợ người bị nợ bảo hiểm xã hội.
“Một doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội được Nhà nước hỗ trợ chi trả thì không khác nào “mở đường” cho doanh nghiệp khác vi phạm”, ông Cường bày tỏ.
Công đoàn mong chờ một cơ chế đặc thù
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đình Quảng – phó trưởng ban chính sách – pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết công đoàn từng đề xuất Chính phủ xây dựng nghị định quy định về bảo đảm quyền lợi của hơn 200.000 người trên.
Đề xuất dùng tiền xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc tiền lãi mà doanh nghiệp phải nộp do chậm, trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết vấn đề trên. Tuy vậy, Luật bảo hiểm xã hội, Luật việc làm, Luật ngân sách nhà nước không có quy định chi nên đề xuất không được chấp nhận.
Sắp tới Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, đề xuất trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù giải quyết quyền lợi cho người lao động ở các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn còn nợ tiền bảo hiểm xã hội.
Ngày 15-3 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo ứng dụng VssID đã bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
VssID cũng gửi thông báo trên ứng dụng cho người lao động về thời gian chưa đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp chậm, trốn, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm từ 30 ngày trở lên. Thời gian gửi thông báo vào ngày 10 hằng tháng.
Năm 2022, cơ quan này cho biết số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là trên 13.000 tỉ đồng (chiếm 2,91% số phải thu).
Nguồn: tuoitre.vn