Nhiều người dân tại Hà Nội “loay hoay” để có được giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú – Ảnh: NAM TRẦN
Chị H.T. (Hà Nội) đã điều trị khỏi COVID-19, mang giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà đến trạm y tế phường để xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì không được chấp nhận vì đã… khỏi bệnh.
Cũng là F0 tự điều trị tại nhà, anh họ chị H.T. đã xin được giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do trạm y tế phường cấp nhưng không được thanh toán bảo hiểm xã hội do quy định loại giấy này do trung tâm y tế cấp huyện cấp.
Rất nhiều người có thể sẽ rơi vào cảnh “tréo ngoe” như chị H.T. khi chỉ riêng Hà Nội đã ghi nhận hơn 13.000 F0 trong ngày 1-3.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Minh Huân – nguyên thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội – nhấn mạnh Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế cần nghiên cứu chấp thuận thanh toán bảo hiểm xã hội cho người lao động với căn cứ là giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế, điều trị tại nhà do y tế cơ sở cấp.
“Bổ sung thủ tục như thế nào, nghỉ bao nhiêu ngày, cấp nào cấp giấy… phải cụ thể. Quan trọng là hai cơ quan bàn với nhau phương án tốt nhất cho người lao động. Thông tư hướng dẫn sửa đổi phải xác định rõ trách nhiệm của y tế cơ sở khi cấp giấy. Nếu phát hiện cấp sai, trục lợi thì xử lý thế nào” – chuyên gia này nêu quan điểm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Phương – trưởng phòng bảo hiểm xã hội ngắn hạn, ban thực hiện chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) – cho biết giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế, điều trị tại nhà hoặc giấy chứng nhận ra viện hiện cấp cho người lao động là F0 không đúng với mẫu “giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội” theo thông tư 56 của Bộ Y tế.
Điều đó dẫn đến việc Bảo hiểm xã hội không thể chi trả chế độ theo quy định.
“Nhiều người cho rằng Bảo hiểm xã hội gây khó dễ, nhưng nếu chấp nhận giấy tờ không đúng quy định để chi trả chế độ thì khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra sẽ buộc phải thu hồi số tiền đã chi”, bà Phương chia sẻ.
Theo bà, ngay từ tháng 6-2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang đã phản ảnh về việc các bệnh viện dã chiến chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly điều trị cho F0. Tuy nhiên, giấy này cũng không đúng mẫu.
Thêm nữa, lao động là F0 xác định dương tính qua test nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR thường điều trị khỏi bệnh rồi mới đến trạm y tế cấp phường để xin giấy xác nhận dẫn tới ngày cấp không trùng với thời điểm nghỉ việc để điều trị bệnh.
Việc này không đúng quy định thông tư 56 khi giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội phải được cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm.
“Hiện chưa có quy định, hướng dẫn về việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội với đối tượng F0 điều trị tại nhà. Tuy vậy, cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận thấy cần có sự linh hoạt, cải cách thủ tục trong cấp hồ sơ giấy tờ để nhanh giải quyết quyền lợi cho người lao động”, bà Phương nêu nhận định.
Do vậy, vị này khuyến nghị người lao động ở Hà Nội có thể trình công văn 415 ban hành ngày 22-1-2022, hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội với lao động là F0 điều trị tại nhà. Tại TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Sở Y tế các nơi này cũng chỉ đạo các trạm y tế cấp giấy nghỉ ốm cho người lao động.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã 5 lần gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Y tế về việc sớm có hướng dẫn cơ sở khám chữa bệnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất giấy tờ phù hợp, có giá trị thanh toán như giấy nghỉ ốm, giấy xác nhận hoàn thành cách ly, điều trị COVID-19.
Mục đích nhằm giảm phát sinh thủ tục hành chính, giảm áp lực cho lực lượng y tế địa phương… Sau đó, phản hồi lại chỉ là “thực hiện theo quy định hiện hành” hoặc không có phản hồi.
Hiện những kiến nghị của ngành bảo hiểm đã được tiếp thu và đưa vào dự thảo thông tư 56 sửa đổi. Ngày 25-2, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã đề nghị sửa đổi các văn bản quy định cấp giấy xác nhận hưởng bảo hiểm xã hội cho F0 điều trị tại nhà.
Nguồn: tuoitre.vn