Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Sinh – đại biểu Quốc hội, nguyên phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN – cho rằng nên tăng tuổi nghỉ hưu vì tuổi nghỉ hưu hiện hành đã giữ trong nhiều chục năm từ khi tuổi thọ bình quân người Việt còn thấp.
Thay đổi tư duy “người già chiếm chỗ làm của người trẻ”
Ông Sinh nói: “Nhìn toàn cục có những yếu tố cho thấy nên tăng tuổi nghỉ hưu: nhu cầu nhân lực vẫn tăng, tuổi thọ bình quân đã tăng nhiều so với thời điểm quy định tuổi nghỉ hưu là nam 60, nữ 55 tuổi.
Hiện nay, những người từ 55 tuổi trở lên với nữ và 60 tuổi trở lên với nam vẫn có sức khỏe, trí tuệ và có nhu cầu được làm việc, điều đó cũng phù hợp với tình hình già hóa dân số sắp tới. Vì thế, tăng tuổi nghỉ hưu và sắp xếp việc làm phù hợp với nhóm lao động này là tư duy phù hợp, thay vì tư duy kiểu ‘người già chiếm chỗ làm của người trẻ'”.
Đề án chưa gút thời gian thực hiện. Theo chuyên gia, áp dụng từ năm 2020 là phù hợp, khi đó lộ trình kết thúc tăng tuổi hưu theo 2 phương án như sơ đồ – Đồ họa: T.ĐẠT
* Việc thiết kế “ba tầng” các nhóm đối tượng đóng và hưởng lương hưu, theo ông, có gì khác biệt so với các dự thảo trước đây và thiết kế như vậy đã là ổn?
Việc thiết kế ba tầng là đảm bảo lưới an sinh xã hội. Trong đó tầng 1 là nhóm người nghèo. Hiện ngân sách đang chi (theo tính toán của tôi) khoảng 6.000 tỉ đồng/năm để hỗ trợ cho trên 1,5 triệu người già.
Tương lai con số này sẽ không dừng lại thì Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm để người ta cùng tham gia, sau này ngân sách đỡ phải bỏ ra cả cục là một thiết kế phù hợp.
Thứ hai là việc thay đổi mức đóng để lương hưu dựa trên tổng thu nhập thường xuyên, không phải lương cơ bản như trước đây. Nhưng cũng có những doanh nghiệp kêu là nếu đóng theo thu nhập thường xuyên của người lao động thì họ sẽ khó khăn, do trong phí bảo hiểm 26% thì chủ sử dụng lao động đóng 18%, người lao động đóng 8%. Thông lệ thế giới tỉ lệ đóng là 50/50.
Quan điểm của tôi là nên thay đổi tỉ lệ đóng. Người lao động nâng tỉ lệ đóng lên một chút theo lộ trình, ví dụ mỗi năm nâng 0,5% để người lao động có thể chấp nhận được.
Tầng thứ ba là những người có mức lương cao, theo dự thảo là có thể tự nguyện tham gia đóng lương hưu bổ sung.
Lương hưu bổ sung là hợp lý, nhưng tôi nghĩ nên bắt buộc, do những doanh nghiệp trả lương cao là doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, việc quy định phí bảo hiểm “lương hưu bổ sung” là tự nguyện thì họ có thể đóng có thể không, nhưng với người lao động nếu áp dụng bắt buộc lương hưu bổ sung thì rõ ràng là có lợi hơn.
* Có những ý kiến cho rằng người lao động VN có sức khỏe không phù hợp để làm việc sau tuổi 55 với nữ và 60 với nam?
Ở nhiều nước phát triển, tuổi nghỉ hưu đã lên ở mức 67. VN trong một thời gian nữa sẽ có tỉ lệ người trên 60 tuổi rất cao, đây là nhóm có kinh nghiệm làm việc và với điều kiện hiện nay là đủ sức khỏe để làm việc. Thứ nữa, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là điều chỉnh có lộ trình, không phải điều chỉnh tăng đột ngột.
Tuổi nghỉ hưu 60 với nam và 55 với nữ đã áp dụng nhiều chục năm và so với tuổi thọ bình quân người VN, tuổi nghỉ hưu hiện hành tôi cho là không còn phù hợp.
Bảo hiểm xã hội phải như tàu thủy đa tầng
TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội – cũng cho biết bà đồng tình với quan điểm BHXH phải có hình thức đa tầng.
Theo bà Hương, BHXH cần phải chuyển từ hệ thống “tàu hỏa, nhiều toa” sang nguyên lý tàu thủy, đa tầng. Theo đó, mọi người lên tàu thì tất cả đều được đưa qua sông. Khi lên tàu sẽ có hạng vé bình dân, vé thương gia, ai có điều kiện thì lên khoang VIP.
“Việc thiết kế BHXH đa tầng là phù hợp xu thế chung của quốc tế, đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có mục tiêu về đảm bảo an sinh xã hội” – bà Hương nói.
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, với việc chuyển nguyên lý, thiết kế từ đa trụ sang đa tầng như đề án của Bộ
LĐ-TB&XH thì tới đây sẽ phải thay đổi nguyên tắc thiết kế. Ví dụ ở tầng thứ nhất, mục tiêu là toàn dân, ưu tiên mở rộng đối tượng bao phủ đến toàn dân với nguyên tắc là “chia sẻ”, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng cho những ai, hỗ trợ như thế nào, mức hỗ trợ bao nhiêu?
Tính đến cuối năm 2017 có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, có khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động – Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Hương dẫn chứng: ở Trung Quốc cũng thực hiện lộ trình cải cách chính sách BHXH như vậy. Từ năm 2009 đến nay, mục tiêu là mở rộng độ bao phủ đến toàn bộ lao động, hiện tại đã có trên 850 triệu người tham gia BHXH, đạt trên 80% lực lượng lao động.
Theo đó, Trung Quốc tập trung mở rộng sự tham gia của lao động khu vực phi chính thức. Đối với nhóm này, họ quy định 3 mức đóng, thấp nhất là mức tiền tương đương 3,5 USD, 6 USD và cao nhất là 20 USD – tương đương với đó là các mức hưởng khi về hưu. Nhà nước sẽ thực hiện bù mức đóng cho người lao động khó khăn.
Ví dụ nếu tham gia, người lao động chỉ phải đóng 50%, còn lại 50% là sự chia sẻ của nhà nước. Đồng thời nhà nước cũng quy định mức sàn hưởng hưu trí tối thiểu, ví dụ là 10 USD (ứng với mức đóng thấp nhất 3,5 USD) và khi không đủ mức 10 USD, nhà nước sẽ bù cả phần lương hưu cho đủ 10 USD.
Tầng thứ 2 là mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc, tiến đến thực hiện BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động và tầng thứ 3 là BHXH tự nguyện.
Ông Phạm Minh Huân – nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH – cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong các giải pháp để cân đối thu – chi quỹ BHXH, nhưng phải chọn phương án đỡ sốc nhất. “Nếu một lao động nam nghỉ hưu năm 60 tuổi và thọ 75 tuổi, thời gian hưởng lương hưu là 15 năm, chưa cần tăng tuổi nghỉ hưu lên 65, chỉ cần lên 62 đã giảm còn 13 năm hưởng lương, nhân với số người hưởng lương hiện nay thì con số cắt giảm được là rất lớn” – ông Huân tính.
Về việc những ai/đối tượng nào kéo dài tuổi hưu khi hiện vẫn chưa có khung quy định cụ thể với các điều khoản rõ ràng, ông Huân thừa nhận buộc phải có phương án cụ thể: việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tiếp tục tính toán kỹ hơn, chứ giờ mới chỉ dựa trên áp lực về cân đối quỹ, về già hóa dân số, chứ chưa có phân tích kỹ về áp lực thị trường.
Đồ họa: T.ĐẠT
* Malaysia: 60 tuổi, không phân biệt tuổi hưu giữa nam và nữ.
* Thái Lan: 60 tuổi. Tuy nhiên, nếu người lao động tiếp tục làm việc sẽ vẫn được duy trì hợp đồng khi qua tuổi 60.
* Úc: Tuổi để được nhận đầy đủ các khoản phúc lợi hưu trí và chăm sóc y tế là 65,5 và sẽ tăng lên 67 tuổi vào năm 2023. Nếu dự thảo luật được thông qua, tuổi hưởng phúc lợi hưu trí có thể tăng lên 70 vào năm 2035. Theo đó, người lao động tùy ý chọn thời điểm nghỉ hưu phù hợp với tình hình tài chính.
* Mỹ: Nghỉ hưu lúc nào tùy vào mức đáp ứng của tiền an sinh xã hội và bảo hiểm y tế được hưởng, nhưng trung bình là 63. Không phân biệt tuổi hưu giữa nam và nữ.
* Đức: Tăng dần tuổi hưu. Tuổi hưu là 65 đối với những ai sinh trước năm 1947 và 67 đối với những ai sinh sau năm 1964. Một số người còn kêu gọi tăng tuổi hưu lên 69 vào năm 2060 để đối phó tình trạng già hóa dân số. Không phân biệt tuổi hưu giữa nam và nữ.
* Nhật Bản: 60 tuổi. Ở thời điểm này, người Nhật có thể chọn thời điểm nhận hưu bổng từ 60 tuổi trở đi. Chính quyền Nhật Bản đang đề xuất thay đổi theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu lên 65.
* Trung Quốc: Tuổi nghỉ hưu hiện tại là 60 cho nam và 55 cho nữ làm việc lao động trí óc và 50 đối với lao động nữ các nghề còn lại. Tuy nhiên, nước này đang có kế hoạch tăng dần tuổi hưu, để đến năm 2045 tuổi hưu của nam giới là 65.
Thăm dò ý kiến
Bạn ủng hộ phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Nguồn: tuoitre.vn