Một vài năm trở lại đây, bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) được gọi là “gà đẻ trứng vàng”, trở thành nguồn thu quan trọng nhất với các nhà băng tại Việt Nam với mức lợi nhuận lên đến hàng trăm thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Doanh thu từ mảng này thậm chí vượt những dịch vụ truyền thống như tiền mặt, thanh toán, kinh doanh ngoại hối…
Thị trường đã có rất nhiều “cú bắt tay” nghìn tỷ đồng giữa các ngân hàng với công ty bảo hiểm. Có thể kể đến các thương vụ như VPBank – AIA, Sacombank – Dai-ichi Life, Vietcombank – FWD, ACB và TPBank với Sun Life, MSB – Prudential, VIB – Prudential, hay VietinBank, Techcombank và SCB hợp tác với Manulife…
Tuy nhiên, sau thời gian dài diễn ra những lùm xùm liên quan đến việc nhân viên khách hàng gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm nhân thọ, khoản thu từ dịch vụ bảo hiểm của một số đơn vị bắt đầu ghi nhận dấu hiệu sụt giảm.
Thực tế, không phải tất cả đơn vị đều thuyết minh chi tiết về doanh thu mảng này trong quý I. Tại một số ngân hàng, khoản thu này được hé lộ qua chỉ tiêu thu từ dịch vụ bảo hiểm/đại lý bảo hiểm/hoa hồng từ bán bảo hiểm…
Theo báo cáo tài chính quý I năm nay, MB – đơn vị thường xuyên dẫn đầu hoạt động bảo hiểm – ghi nhận khoản thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 2.087 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Giai đoạn 2019-2022 trước đó, doanh thu từ bảo hiểm của MB tăng rất nhanh. Ngân hàng này không có thỏa thuận độc quyền bảo hiểm nhưng có 2 công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas với tỷ lệ sở hữu trên 60%.
VIB ghi nhận thu từ hoa hồng bảo hiểm giảm xuống còn 118 tỷ đồng, tức gần 50% so với cùng kỳ. Hay TPBank cũng sụt giảm chỉ tiêu dịch vụ kinh doanh, bảo hiểm và tư vấn xuống còn 116 tỷ đồng, tức chỉ còn khoảng một nửa. SeABank với hoạt động thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm cũng giảm hơn một nửa, xuống còn 22,5 tỷ đồng.
Khoản thu vốn đóng góp quan trọng cũng khiến thu từ hoạt động dịch vụ của không ít ngân hàng hụt hơi. Nhiều ngân hàng ghi nhận giảm ở chỉ tiêu này so với cùng kỳ năm ngoái. MB, SeABank, VIB – những ngân hàng ghi nhận doanh thu mảng bảo hiểm giảm đều ghi nhận giảm khoản thu từ hoạt động dịch vụ. Hàng loạt đơn vị khác có chỉ tiêu này giảm là Vietcombank, Sacombank, ACB, MSB, OCB…
VietinBank đứng vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng, khi thu từ hoạt động dịch vụ đạt 2.001 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Trong phiên họp cổ đông năm nay, ông Nguyễn Hoàng Dũng – Phó tổng giám đốc VietinBank – cho biết 3 tháng đầu năm, hoa hồng đạt được từ mảng bảo hiểm nhân thọ là 418 tỷ đồng, và phi nhân thọ là 416 tỷ đồng, đóng góp 26% thu phí hoạt động bán lẻ.
Hình thức hợp tác bán chéo bảo hiểm được xem là hoạt động mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng vì ngoài đóng góp vào thu nhập phí, bancassurance giúp ngân hàng khai thác thêm nhiều lợi ích khác từ khách hàng mà không phải tiêu tốn nhiều vốn.
Trước năm 2017, kinh doanh bảo hiểm chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm 2018, bancassurance trở thành nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhiều nhà băng.
Năm vừa rồi, có thời điểm tình trạng room tín dụng tại nhiều nhà băng chạm trần, khiến hoạt động cho vay diễn ra “nhỏ giọt”. Điều này không những khiến khách hàng phải đợi lâu mà chính nhân viên ngân hàng phải bán chéo sản phẩm phụ trợ. Điều đó cũng dẫn đến việc bán bảo hiểm gia tăng tại nhiều chi nhánh ngân hàng khi nhiều khoản vay thậm chí chỉ được ưu tiên giải ngân nếu mua kèm bảo hiểm trị giá từ 3-5% tổng mức vay.
Vấn đề bảo hiểm ngày càng “nóng” khi mà thời gian qua, trên thị trường, không ít khách hàng đã phản ứng về tình trạng nhân viên ngân hàng chào mời, tư vấn khách mua bảo hiểm. Câu chuyện này diễn ra với cả khách có tiền đi gửi lẫn khách có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Các cơ quan quản lý ngành ngân hàng và bảo hiểm là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã phải vào cuộc, cung cấp đường dây nóng tiếp nhận thông tin.
Sau nhiều lần thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý, một số ngân hàng thậm chí ngừng áp chỉ tiêu kinh doanh bảo hiểm cho các nhân sự dù trước đó nhân viên ngân hàng phải nhận KPI bán bảo hiểm “khủng”. Có ngân hàng thay đổi bằng cách chỉ tiêu bancassurance gộp chung vào để tính KPI phát triển thu nhập dịch vụ và có trọng số riêng. Có ngân hàng thay đổi KPI bán bảo hiểm thành thu phí tư vấn tài chính.
Nguồn: dantri.com.vn