Theo kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp gồm Sun Life, Prudential, MB Ageas và BIDV Met Life của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tỷ lệ bỏ ngang hợp đồng của kênh bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) sau năm thứ nhất từ 30% đến 70%. Kết quả thanh tra dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán và số liệu doanh nghiệp cung cấp, tính đến hết 2021.
Tỷ lệ bỏ ngang cao nhất là tại Sun Life Việt Nam, hãng bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đang bán chéo tại hai nhà băng là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng Á Châu (ACB). 73% khách hàng mua bảo hiểm qua TPBank huỷ hợp đồng sau năm đầu tiên, còn tỷ lệ này tại ACB là 39%.
Tính đến hết năm 2021, Sun Life có hơn 80.000 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance với tổng doanh thu phí bảo hiểm hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 61% tổng doanh thu phí của doanh nghiệp này. Chỉ trong một năm, Sun Life bán mới được 1.900 tỷ phí bảo hiểm, đóng góp hơn 80% doanh thu khai thác mới của hãng.
3 doanh nghiệp còn lại là Prudential, MB Ageas Life và BIDV Met Life có tỷ lệ bỏ ngang năm đầu quanh 30-40%.
Doanh thu bancassurance cao nhất là tại Prudential – doanh nghiệp sở hữu mạng lưới 8 ngân hàng đối tác gồm VIB, MSB, Pvcombank, SeABank, Standard Chartered, VietBank, UOB và Shinhan.
Tổng doanh số kênh bancassurance của Prudential là gần 6.200 tỷ đồng, chiếm 20% tổng doanh thu phí của hãng. Riêng trong 2021, hãng này bán mới được hơn 94.000 hợp đồng với doanh thu phí 3.700 tỷ, chiếm 55% tổng doanh số khai thác mới (gồm cả kênh đại lý truyền thống). Để có được nguồn doanh thu này, Prudential hạch toán gần 2.000 tỷ đồng chi phí trả cho các ngân hàng.
Tỷ lệ huỷ, mất hiệu lực trong hợp đồng năm thứ nhất tại Prudential là 41%. Cũng trong năm này, Prudential nhận gần 1.800 thông tin khiếu nại của khách hàng liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng.
Doanh nghiệp | Đối tác bancassurance |
Tổng doanh thu phí bancas (Tỷ đồng) |
Tỷ lệ huỷ năm đầu |
Sun Life | TPBank, ACB | 2.000 | 39-73% |
Prudential | VIB, MSB, Pvcombank, SeABank, Standard Chartered, VietBank, UOB, Shinhan | 6.200 | 41% |
MB Ageas | MB, M.Credit | 4.460 | 32% |
BIDV Metlife | BIDV | 1.550 | 39% |
Còn với công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, hãng này chỉ phân phối tại ngân hàng duy nhất là Ngân hàng Quân đội (MB), bên cạnh Công ty tài chính MB Shinsei (M.Credit).
Tính tới 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 4.460 tỷ đồng, đóng góp 78% tổng doanh thu phí.
Riêng trong năm 2021, MB Ageas phát hành mới 66.700 hợp đồng qua ngân hàng với doanh thu phí 2.820 tỷ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới. Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm năm thứ nhất là 32%.
Hãng bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife cũng chỉ bán chéo tại ngân hàng quốc doanh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Gần như toàn bộ doanh thu của BIDV Metlife đến từ kênh ngân hàng.
Doanh thu phí bảo hiểm bán qua BIDV đạt 1.550 tỷ đồng. Còn trong riêng 2021, BIDV Metlife phát hành hơn 21.100 hợp đồng với doanh thu phí 450 tỷ đồng. Tỷ lệ huỷ trong năm đầu tại BIDV Metlife là 39%.
Theo kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp này, Bộ Tài chính phát hiện nhiều lỗ hổng trong quy trình, quy chế quản lý đại lý.
Ngân hàng thương mại nhiều lần nói không ép mua bảo hiểm nhân thọ kèm khoản vay, nhưng khách hàng phản ánh ngược lại. Tình trạng này diễn ra một cách tràn lan, đặc biệt vào thời điểm “room” tín dụng hạn hẹp.
Muốn vay thủ tục không phiền hà và lãi suất tốt, người vay cần phải mua thêm một hợp đồng bảo hiểm – kể cả không có nhu cầu. Thậm chí một số nhân viên ngân hàng còn khẳng định phải mua bảo hiểm mới được giải ngân. Chính vì thế, nhiều người đi vay dù không có nhu cầu cũng như khả năng tài chính tham gia bảo hiểm, vẫn chấp nhận đóng phí bảo hiểm năm đầu rồi huỷ ngay sau năm đầu để được vay ngân hàng nhanh chóng.
Quỳnh Trang
Nguồn: vnexpress.net