Giáo viên mầm non là đối tượng thường được nhận mức lương hưu thấp. Trong ảnh: hai giáo viên mầm non dạy hai lớp chung vách tại điểm trường Lùng Tám Cao (huyện Quản Bạ, Hà Giang) – Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.
* Phải tăng mức đóng bảo hiểm xã hội
Nếu các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động áp dụng mức đóng này thì khi nghỉ hưu, lương hưu sẽ cao hơn nhiều theo hướng đóng nhiều, hưởng nhiều.
“Chỉ có thể, đóng BHXH cao lương hưu mới cao. Nếu các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động áp dụng mức đóng này thì khi nghỉ hưu, lương hưu sẽ cao hơn nhiều theo hướng đóng nhiều, hưởng nhiều”.
Bà Đinh Thu Hiền
So với nhiều nước, tỉ lệ đóng quỹ hưu trí, tử tuất ở VN không thấp, khoảng 22% lương và các thu nhập bổ sung. Tỉ lệ hưởng lương hưu có thể tới 75% lương bình quân khi còn đi làm, nhưng mức hưởng thực tế vẫn thấp. Lý do chính là mức đóng thấp.
Đa số người lao động được đóng phí bảo hiểm xã hội (BHXH) trên mức lương cơ bản, thấp hơn nhiều so với mức thu nhập thực tế (tính trên các khoản thu nhập thường xuyên).
Trong nhiều hợp đồng lao động chỉ có ghi mức lương và “các khoản phụ cấp khác theo quy định của cơ quan”, nhưng do không ghi rõ nên không có căn cứ tính phí BHXH.
Do mức đóng thấp nên mức lương phổ biến của người về hưu hiện nay khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Cá biệt có những người lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng (đó là đã được quỹ bù để tương đương lương cơ sở, còn nếu căn cứ trên mức đóng thì không đạt mức hưởng 1,3 triệu đồng). Chỉ có thể có lương hưu cao nếu mức đóng BHXH cao.
Từ 1-1-2018 tới, ngân sách sẽ hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, cụ thể là hỗ trợ 30% phí cho người tham gia thuộc diện hộ nghèo, 25% với hộ cận nghèo và 10% với các nhóm khác, hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức đóng phí BHXH cao hơn.
Với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, mức phí BHXH sẽ tính thêm các khoản thu nhập bổ sung ổn định, chi thường kỳ hằng tháng và có ghi trong hợp đồng lao động, tức là có tăng hơn so với năm 2017 trở về trước.
Nếu các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động áp dụng mức đóng này thì khi nghỉ hưu, lương hưu sẽ cao hơn nhiều theo hướng đóng nhiều, hưởng nhiều.
* Nâng lương cho nhóm hưởng thấp
TS Nguyễn Hữu Dũng (nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội)
“Phải có giải pháp trước mắt là Chính phủ điều chỉnh, nâng lương hằng năm cho giáo viên mầm non cũng như các ngành có mức lương thấp để người lao động không bị thiệt thòi khi về hưu”.
TS Nguyễn Hữu Dũng
Việc giáo viên mầm non hay những đối tượng lương thấp được nhận mức lương hưu thấp là do chính sách.
Trước đây giáo viên mầm non chưa được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân, mà người giáo viên mầm non, nhà trẻ làm tự nguyện, do địa phương tự chi trả bằng công điểm, thóc lúa mà chẳng có mức lương nào cả.
Đến năm 2002 mới đưa họ vào diện đóng BHXH thì quá muộn, để giáo viên đủ điều kiện được hưởng lương hưu thì có chính sách truy đóng BHXH ngược về năm 1995. Tuy nhiên do mức lương của giáo viên mầm non quá thấp nên mức đóng BHXH thấp, thời gian đóng BHXH lại ngắn nên lương hưu của họ không thể cao lên được.
Đây là tồn tại của chính sách. Việc chậm đưa giáo viên mầm non vào hệ thống giáo dục quốc dân là sai lầm của cơ quan hoạch địch chính sách. Từ nhận định sai lầm nên dẫn đến nhận thức sai lầm của xã hội, của người làm chính sách, dẫn đến chúng ta làm đúng trong một nhận thức sai, nên để lại hậu quả như vậy.
Bộ GD-ĐT cũng có trách nhiệm trong việc này khi lâu nay không lên tiếng hay đề xuất, kiến nghị mạnh mẽ, quyết liệt để điều chỉnh, thay đổi.
Về lâu dài, phải cải cách chính sách tiền lương, BHXH. Việc này đang được tiến hành. Bộ GD-ĐT cũng như cơ quan hoạch định chính sách cần có nhận thức đúng, đánh giá đúng tính chất lao động của giáo viên để từ đó có phương hướng, đề xuất sửa đổi chính sách tiền lương, BHXH, nhất là sửa đổi cách đóng – hưởng.
Tuy nhiên, việc cải cách không thể một sớm một chiều mà cần có lộ trình. Vì thế, phải có giải pháp trước mắt là Chính phủ điều chỉnh, nâng lương hằng năm cho giáo viên mầm non cũng như các ngành có mức lương thấp để người lao động không bị thiệt thòi khi về hưu.
Bên cạnh đó, cần nâng ngưỡng lương hưu thấp nhất bằng lương cơ sở (1,3 triệu đồng/tháng) lên mức 2 triệu đồng/tháng như chuyên gia về lương Phạm Minh Huân đã đề cập trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-11.
Thậm chí, với những trường hợp đặc biệt, cần có giải pháp như đưa các đối tượng này vào diện hộ nghèo để họ được nhận trợ cấp xã hội như hộ nghèo.
Vì sao có lương hưu 100 triệu đồng/tháng?
Người hưởng lương hưu cao nhất VN hiện nay từng có 18 năm làm tổng giám đốc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM, tham gia đóng BHXH từ năm 1992-2015, tỉ lệ hưởng lương hưu là 62% lương bình quân khi còn làm việc.
Theo giải thích của BHXH VN, trường hợp này là điển hình của mô hình “đóng nhiều, hưởng nhiều”. Theo đó, trước năm 2007 do không có quy định về “trần” tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, nên người lao động này đã được công ty đóng BHXH trên cơ sở tiền lương tháng rất cao, có giai đoạn lên tới 249 triệu đồng/tháng. Từ 1-1-2007 đến tháng 3-2015, căn cứ đóng BHXH của người này dựa trên mức lương dao động từ 9-23 triệu đồng/tháng.
Căn cứ tính lương hưu dựa trên mức lương bình quân của vị cựu tổng giám đốc là trên 140 triệu đồng/tháng, lương hưu bằng 62% mức này tức trên 87 triệu đồng/tháng. Qua hai lần điều chỉnh lương hưu từ năm 2015 đến nay (một lần điều chỉnh 8%, lần hai điều chỉnh 7,44%), lương hưu của vị này hiện là trên 101 triệu đồng/tháng.
L.ANH
Nguồn: tuoitre.vn