Tôi là lao động nữ, năm nay đã 60 tuổi. Tôi về hưu cách đây 5 năm và đã lãnh bảo hiểm xã hội 1 lần, nên không được hưởng lương hưu.
Sau đó, tôi đi làm thêm cho một doanh nghiệp với vị trí là công nhân, có ký hợp đồng. Ngoài được trả lương, tôi còn được công ty đóng bảo hiểm đầy đủ được khoảng 5 năm nay.
Vậy tôi đã lãnh bảo hiểm xã hội 1 lần thì có nên tiếp tục đóng nữa không? Tôi có nên thỏa thuận với công ty về việc chấm dứt đóng bảo hiểm để tăng tiền lương cho tôi?
Bạn đọc Lê Hằng (TP.HCM), gửi câu hỏi đến Thanh Niên.
Luật sư tư vấn
Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát) tư vấn, theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người lao động làm việc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng không xác định thời hạn, thì phải có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Chỉ trừ đối với người lao động đang thuộc diện nghỉ hưu và đang lãnh lương hưu hằng tháng, theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Nghị định 115/2015 (quy định chi tiết một số điều của luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc) thì không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cũng theo luật sư, căn cứ tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 38/2022 (quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động), thì mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng. Do chị làm việc tại TP.HCM (tức vùng 1), thì mức lương đóng thấp nhất sẽ là 4,68 triệu đồng.
“Vì vậy, nếu chị đi làm có công việc thuộc trường hợp như đã nêu ở trên, thì phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Lúc này chị còn được hưởng rất nhiều lợi ích khác như: công ty phải đóng thêm bảo hiểm y tế cho chị, chị được hưởng chính sách từ tai nạn lao động, chế độ tử tuất…”, luật sư Phát nói.
Nguồn: thanhnien.vn