Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế còn khá lớn, trên 13.000 tỉ đồng (bình quân trong 1-2 năm vừa qua) bao gồm cả tiền chậm và lãi.
Chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân, chiếm 60-80%.
Số chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn lớn, vì sao?
“Việc chậm đóng thời gian dài không có biện pháp thu hồi hiệu quả dễ dẫn đến tình trạng chậm đóng không có khả năng thu hồi”, Vụ Bảo hiểm xã hội đánh giá.
Một số nguyên nhân chính là nhiều đơn vị, doanh nghiệp khó khăn, thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, không có khả năng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Một số người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm pháp luật, có trường hợp cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, việc quản lý người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và các giải pháp đốc thúc thu nợ chưa hiệu quả.
Còn cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý dẫn đến chậm đóng thời gian dài, dẫn đến khó thu hồi. Một số quy định đã có song khởi kiện, xử lý hình sự còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Đề xuất nhiều giải pháp, kể cả xử lý hình sự
Về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều giải pháp xử lý chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
1. Bổ sung quy định ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất với người sử dụng lao động là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo (nếu đóng hằng tháng) hoặc chu kỳ đóng (nếu đóng 3 tháng, 6 tháng/lần).
2. Bổ sung quy định với hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có việc chuyển hóa từ chậm sang trốn đóng.
3. Bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội đôn đốc bằng văn bản khi chủ sử dụng lao động chậm đóng, vi phạm pháp luật về kê khai, đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc công khai vi phạm trên cổng thông tin điện tử của ngành.
4. Bổ sung quy định về xử lý vi phạm chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, trường hợp vi phạm ngoài đóng đủ số tiền chậm, trốn đóng phải nộp lãi bằng 0,03%/ngày tính trên số chậm, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Cơ quan chức năng còn nêu các biện pháp khác như tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp vi phạm, xử lý vi phạm hành chính, xem xét không trao tặng danh hiệu thi đua/khen thưởng, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về lâu dài, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung trách nhiệm của cơ quan chức năng trong quản lý người lao động, chủ sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người sử dụng lao động phải bồi thường nếu không đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội không đầy đủ.
Người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, có thể đóng bù, không tính lãi.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ thời gian bị chậm đóng, trốn đóng cho người lao động hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật nặng đủ tuổi nghỉ hưu song chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm và không thể tự đóng.
Nguồn: tuoitre.vn