Đây là thông tin Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) cho biết sáng nay, 16.8, tại buổi công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) và điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của bộ luật Hình sự.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.9 tới.
Theo Phó chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh: gian lận BHXH, BHTN; gian lận BHYT; trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tuy nhiên, từ khi bộ luật Hình sự có hiệu lực, việc truy tố, xét xử, điều tra liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Tuệ chia sẻ: “Thực tế BHXH đã phát hiện ra những sai phạm, đã chuyển cho cơ quan điều tra nhưng chưa giải quyết được vấn đề này, bởi nhiều quy định mang tính chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán đã cùng BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Nghị quyết hướng dẫn”.
Ông Chu Hồng Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC), cho biết Nghị quyết gồm 8 điều, tập trung vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ, giải thích một số tình tiết định khung hình phạt, một số trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành vì trốn đóng xác định tư các tố tụng của cơ quan BHXH, tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành…
Điểm mới của Nghị quyết là Hội đồng Thẩm phán đưa ra 15 thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong hướng dẫn các điều 214, 215 và 216 của bộ luật Hình sự như: lập hồ sơ giả, hồ sơ bệnh án khống, trốn đóng bảo hiểm, gian dối để không đóng, không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN, không đóng đầy đủ…
Ngoài ra, Nghị quyết còn hướng dẫn về một số tình tiết định khung hình phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự với các trường hợp: một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hình vi quy định tại các điều 214, 215 của bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc gây thiệt hại cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN; người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN để chiếm đoạt tiền…
Đặc biệt, một trong những nội dung được người lao động quan tâm là hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 1.1.2018 sẽ bị xử lý như thế nào? Vấn đề này đã hướng dẫn trong Nghị quyết như sau: “Đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại điều 216 của bộ luật Hình sự”.
Nói thêm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay trên thực tế có doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ đọng BHXH, dẫn đến tình trạng người lao động chưa được giải quyết các chính sách về bảo hiểm.
“Khi góp ý cho Nghị quyết, rất nhiều ý kiến yêu cầu phải hồi tố đối với hành vi trốn đóng BHXH trước 1.1.2018. Vì vậy, đề nghị các cơ quan liên quan nắm chắc tình hình để tránh lợi dụng việc chúng ta không hồi tố vấn đề này. Tuy nhiên, nếu gây áp lực quá mức, các doanh nghiệp càng lâm vào tình cảnh khó khăn. Để có cách nhìn nhận khách quan, đề nghị BHXH Việt Nam chốt ngay số liệu, báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này, nhằm đưa ra các giải pháp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”, ông Lợi nói.
Nguồn: thanhnien.vn