Tôi khởi kiện công ty vì công ty không đóng bảo hiểm đúng mức lương chính thỏa thuận trong hợp đồng lao động nên tôi yêu cầu công ty truy đóng bổ sung cho cơ quan bảo hiểm. Ngoài ra, công ty không đóng đoàn phí và lệ phí công đoàn từ năm 2013 đến nay. Vậy cho tôi hỏi Bảo hiểm xã hội và Công đoàn có được xác định là các tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không?
Bạn đọc Minh Vũ gửi câu hỏi cho luật sư tư vấn.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) tư vấn:
Trường hợp này có thể đề nghị tòa án đưa Bảo hiểm xã hội và Công đoàn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo quy định tại khoản 4, điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” .
Thứ nhất, đối với hành vi đóng bảo hiểm không đúng mức lương chính thỏa thuận trong hợp đồng lao động:
Theo quy định tại khoản 2, điều 5 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì một trong những nguyên tắc liên quan đến bảo hiểm xã hội đó là “Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động“.
Theo quy định tại khoản 2, điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trách nhiệm của người sử dụng lao động phải: “Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1, điều 85 của Luật Bảo hiểm xã hội để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, công ty không đóng bảo hiểm đúng mức lương chính thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì đã vi phạm quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 9, điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội: “Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế“.
Căn cứ vào đây, trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định của pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm này.
Như vậy, bạn có thể đề nghị tòa án xác định cơ quan bảo hiểm xã hội là tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Thứ hai, đối với hành vi không đóng đoàn phí và lệ phí công đoàn:
Theo quy định tại Luật Công đoàn 2012, đối tượng đóng đoàn phí công đoàn là đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt tại các công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
Cùng với điều 23 quyết định số 1908/QĐ-TLĐ quy định quản lý tài chính tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu nộp tài chính công đoàn có quy định về đối tượng đóng đoàn phí công đoàn thì người lao động thuộc nhiều tổ chức doanh nghiệp đều thuộc đối tượng đóng đoàn phí công đoàn thì công ty cần đóng đoàn phí công đoàn cho người lao động.
Trường hợp công ty không đóng đoàn phí công đoàn cho người lao động là vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trong đó, Công đoàn là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nên có thể đề nghị tòa án xác định Công đoàn là tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Nguồn: tuoitre.vn