Ngày 23/11, tại phiên thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nêu ý kiến, thống nhất bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác vào nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.
Cụ thể, bà Thúy đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động dựa trên nền tảng công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo nữ đại biểu, nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ (shipper) là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng.
Nhóm lao động trên cũng bị ảnh hưởng từ nhiều chính sách. Khi công ty công nghệ tăng thêm một vài phần trăm tỷ lệ ăn chia là hai bên đã phát sinh mối quan hệ lao động.
Gần đây, tại TPHCM nhiều tài xế đã đồng loạt tắt app (ứng dụng) để phản đối công ty thu tỷ lệ % cao. Việc này cũng có thể coi là ngừng việc tập thể.
Theo bà Thúy, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhóm đối tượng này về bản chất là tồn tại quan hệ lao động. Bởi, lẽ tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ có trả lương. Hai bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc và có sự điều hành, giám sát thông qua ứng dụng do doanh nghiệp vận tải quản lý.
Trước đó, trao đổi về việc lái xe công nghệ có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Duy Cường cho biết, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chưa đưa nhóm tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nội dung này ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.
Theo ông Cường, qua tổng hợp từ nhiều nước, lái xe công nghệ công nghệ không thực thiện bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bộ Tư pháp cũng đã báo cáo Thủ tướng liên quan đến trường hợp lái xe công nghệ. Trong báo cáo của đơn vị này đã nhận định, rất khó để coi lái xe công nghệ là quan hệ lao động. Vì vậy, khó có thể đưa họ trở thành đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trước đó, nghiên cứu “Một số vấn đề về việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do (Gig economy) tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp lái xe công nghệ, giao hàng, giúp việc gia đình” của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) có nêu nền kinh tế Gig là mô hình kinh tế sử dụng các nền tảng số kết nối lao động tự do với khách hàng.
Từ đó, cung cấp các dịch vụ ngắn hạn, người lao động có công việc tạm thời hoặc thực hiện các phần việc riêng biệt trong chuỗi công việc chung, mỗi công việc được trả lương riêng (thay vì làm việc cho một chủ lao động và làm việc toàn thời gian).
Theo nghiên cứu, lái xe, giao hàng công nghệ chính là người lao động Gig. Dù là người có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động thì vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Y tế.
Lái xe, giao hàng công nghệ được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm nếu đáp ứng đủ các điều kiện hỗ trợ và khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro.
Khảo sát nhóm 270 người lao động là các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, nhóm lao động này hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội khi gặp rủi ro đột xuất và trong bối cảnh dịch bệnh. Khi đó, họ chủ yếu dùng tiền tiết kiệm cá nhân.
Điều đáng nói, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội rất thấp, tham gia bảo hiểm y tế 51,11%; chỉ 8,15% tham gia bảo hiểm xã hội.
Nguồn: dantri.com.vn