Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, khi mức lương cơ sở tăng thì tiền lương cũng tăng. Trong ảnh: công chức làm việc tại UBND Q.Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Q.Định |
Đây là nội dung đáng lưu ý của nghị quyết số 27 năm 2016 của Quốc hội khóa 14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Mức lương cơ sở (còn được hiểu là mức lương thấp nhất) được dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp từ trung ương đến địa phương và lực lượng vũ trang…
Mức lương này còn được dùng để tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng.
Như vậy, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, khi mức lương cơ sở tăng thì tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm cũng tăng theo.
Tiền lương này cùng với các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) được xác định là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
Khi đó, nhiều chế độ BHXH cũng được các cơ quan chức năng căn cứ theo mức lương cơ sở này để giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Chẳng hạn, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày hoặc sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp của một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung…
Không chỉ có vậy, nhiều trách nhiệm dân sự cũng tăng theo mức lương cơ sở mới. Đơn cử, mức bồi thường tối đa cho một người bị xâm phạm tính mạng theo quy định hiện hành không quá 100 lần mức lương cơ sở; mức bồi thường tối đa cho một người bị xâm phạm sức khỏe không quá 50 lần mức lương cơ sở.
4 phương án tăng lương tối thiểu vùng
Ngày 27-6, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ nhất tại Hải Phòng để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu theo vùng năm 2018.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối cùng ngày, một thành viên hội đồng cho biết bộ phận kỹ thuật của hội đồng đưa ra 3 phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm tới.
Cụ thể, phương án thứ nhất tăng từ 130.000 đồng lên 180.000 đồng (tỉ lệ tăng bình quân 5%); phương án thứ hai tăng từ 160.000 đồng lên 220.000 đồng (tăng 6%); phương án thứ ba tăng từ 180.000 đồng lên 250.000 đồng (tăng 6,8%).
Cùng với 3 phương án này, phía đại diện người lao động là Tổng liên đoàn Lao động VN nêu đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức tuyệt đối từ 370.000 đồng lên 450.000 đồng, mức tăng bình quân 13,3%.
Tuy nhiên, phía đại diện chủ sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp VN) lại cho rằng các doanh nghiệp đang rất khó khăn, đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng 2018, hoặc nếu có thì tăng ở mức dưới 5%.
Hiện mức lương tối thiểu vùng (áp dụng từ ngày 1-1-2017) là 3,75 triệu đồng/tháng (vùng 1); 3,32 triệu đồng/tháng (vùng 2); 2,9 triệu đồng/tháng (vùng 3) và 2,58 triệu đồng/tháng (vùng 4).
Nguồn: tuoitre.vn