Hiện nay, có 2 loại hình bảo hiểm xã hội do nhà nước tổ chức là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hằng tháng, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ phải đóng số tiền sau vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = 8% x Mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở.
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung trong nghị quyết là tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024.
Như vậy, từ thời điểm trên, khi lương cơ sở được điều chỉnh thì mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất thay đổi mạnh.
Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất là 20 x 2,34 triệu đồng/tháng = 46,8 triệu đồng/tháng.
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất là 8% x 46,8 triệu đồng/tháng = 3,744 triệu đồng/tháng.
Ngoài phần đóng của người lao động, người sử dụng lao động cũng phải đóng cho người làm của mình với tỷ lệ 14%, để đạt mức tổng 22% mà người lao động được hưởng sau này. Về bản chất, đây cũng là tiền dành cho người lao động.
Như vậy, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất dành cho một lao động là 22% x 46,8 triệu đồng/tháng = 10,296 triệu đồng/tháng.
So sánh với mức đóng khi lương cơ sở ấn định 1,8 triệu đồng, số tiền đóng bảo hiểm ở mức cao nhất tăng thêm gần 2,5 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hằng tháng, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phải đóng số tiền sau:
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện = 22% x Mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở.
Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất từ 1/7 là 20 x 2,34 triệu đồng/tháng = 46,8 triệu đồng/tháng.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất là 22% x 46,8 triệu đồng/tháng = 10,296 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, gián tiếp cũng kéo theo mức hưởng lương hưu cũng tăng. Bởi công thức tính lương hưu hiện nay: Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo công thức ở trên, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào tỷ lệ hưởng và mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Khi tăng lương cơ sở, mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang về hưu cũng sẽ thay đổi.
Do đó, khi tăng lương cơ sở thêm 30% thì kéo theo đó, mức bình quân này cũng tăng theo và lương hưu của các đối tượng này cũng tăng tương ứng.
Nguồn: dantri.com.vn