Có ý kiến đồng tình cho rằng cần giảm mức đóng BHXH khi doanh nghiệp và người lao động đều đang khó khăn. Nhưng nhiều ý kiến đề nghị xem xét kỹ bởi mức đóng liên quan đến an sinh xã hội cho người lao động. Doanh nghiệp khó khăn là chuyện trước mắt và ngắn hạn. Nếu hạ mức đóng BHXH, lương hưu đã thấp nguy cơ còn giảm, người già sống cách nào?
Tuổi Trẻ đã ghi nhận một số ý kiến từ góc nhìn lợi ích lâu dài cho người lao động.
PGS.TS Giang Thanh Long (giảng viên cao cấp Trường ĐH Kinh tế quốc dân):
Đừng để tạo gánh nặng cho tương lai
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng tỉ lệ đóng BHXH như hiện tại ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sản xuất, kinh doanh và cả thu nhập của người lao động. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp và cần xem xét.
Một trong những nguyên tắc của BHXH là đóng – hưởng phải cân đối hài hòa. Theo thống kê hiện nay, không ít người lao động Việt Nam không đóng trên phần thu nhập thực tế, mà đóng trên mức người lao động và chủ sử dụng xác nhận, chỉ cần mức đó không thấp hơn mức tối thiếu.
Thống kê trong 5 năm gần đây, mức lương làm căn cứ tính mức đóng BHXH bình quân chưa quá 6 triệu đồng. Nếu mức đóng 6 triệu đồng, mức hưởng cao nhất là 75% thì khi về hưu người lao động chỉ nhận lương hưu khoảng 4,5 triệu đồng. Đóng thấp bây giờ, ngày sau sẽ hưởng thấp.
Nếu muốn mức đóng cũng thấp và tỉ lệ đóng cũng thấp sẽ không bao giờ có được mức lương cao. Trong đề xuất mới của Luật BHXH (sửa đổi) sẽ có mức hưởng tối thiểu. Khi đóng mức rất thấp, mức hưởng có thể thấp hơn mức hưởng mức tối thiểu, ngân sách nhà nước phải bù.
Ngân sách là thuế, nên nếu bù quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng “bóc lột giữa các thế hệ với nhau”, nói cách khác phải đánh thuế thế hệ tương lai. Thế hệ tương lai sẽ không chỉ đóng cho họ mà còn bù lại cho cả thế hệ trước. Điều đó tạo gánh nặng lớn cho thế hệ tương lai.
Doanh nghiệp khó khăn trước mắt, còn vấn đề đóng BHXH là dài hạn hay chính là an sinh xã hội vài chục năm tiếp sau. Do vậy, cần cân nhắc rất kỹ, đừng để lương hưu như hiện nay đã không đủ sống lại càng thấp hơn.
Anh Phạm Tuấn Anh (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long 2, Hưng Yên):
Mong đóng cao để được hưởng chế độ cao
Hiện nay, tiền lương tháng đóng BHXH được công ty đóng cho tôi là 5,5 triệu đồng/tháng, gần bằng 1/2 thu nhập tháng được hưởng thực tế. Thời gian tới, lương tối thiểu vùng tăng, công ty cho biết sẽ tăng mức đóng BHXH lên.
Nếu duy trì mức như hiện nay và cách tính lương hưu như hiện nay, lương hưu của tôi khoảng 4 triệu đồng/tháng. Còn nếu công ty đóng tăng lên thì mức hưởng sẽ tăng.
Khi về già mới biết giá trị của mức đóng BHXH cần thiết như nào. Công nhân chúng tôi đều mong được đóng BHXH mức cao hơn, đóng đủ so với lương thực lĩnh. Bản thân cũng sẵn sàng trích thêm thu nhập hằng tháng để đóng BHXH theo đúng mức lương hiện tại.
Tôi chọn “thắt lưng buộc bụng”
Tôi hiểu rằng tiền đóng BHXH hằng tháng doanh nghiệp lo phần nhiều, người lao động đóng góp phần ít hơn. Khi mức lương để đóng BHXH tăng lên, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi phải gánh thêm khoản tăng thêm này.
Khoản tiền chúng tôi bị trích lại để đóng BHXH hằng tháng cũng tăng lên ít nhiều. Là người làm công ăn lương, tôi mong được đóng ở mức cao hơn (mức đóng hiện tại của tôi chỉ khoảng 1/3 lương tôi nhận sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân).
10-20 năm trước, hầu như ít ai quan tâm mức đóng BHXH của mình bao nhiêu, điều đó có ý nghĩa như thế nào, đóng ít thì lương được nhận hằng tháng cao hơn. Cho đến khi những đồng nghiệp lớn tuổi của tôi lần lượt nghỉ hưu, hỏi thăm mức lương của họ mà thấy đắng lòng. 4 triệu đồng thì sống làm sao đủ ở TP.HCM?
Bây giờ nếu giảm tỉ lệ đóng BHXH và công ty tôi không thể tăng mức đóng thì lương hưu của tôi sẽ còn thấp hơn nữa. Chúng tôi không muốn một đời đi làm tuổi già thành gánh nặng cho con hoặc gánh năng xã hội. Mức đóng và tỉ lệ đóng cần được tính cân đối hài hòa không thiệt thòi cho người về hưu và cũng không gây khó khăn cho quỹ BHXH.
Nếu có thể góp sức đóng cao hơn một chút để được hưởng lương hưu cao hơn cách tính hiện tại, tôi sẽ chọn thắt chặt chi tiêu hôm nay để đóng, coi như một cách để dành cho cuộc sống an toàn khi về già.
LƯU NGỌC (TP.HCM)
Nguồn: tuoitre.vn