Phạt quá nhẹ
Theo số liệu của BHXH TP.HCM, tính đến tháng 9-2016, TP có gần 41.000 doanh nghiệp (DN) chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 2.800 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu – phó giám đốc BHXH TP.HCM – cho biết biện pháp thu hồi nợ cao nhất và hiệu quả nhất mà BHXH TP áp dụng là khởi kiện DN. Tuy nhiên việc tòa án đình chỉ tất cả các vụ kiện liên quan đến nợ BHXH từ năm 2016 đã khiến việc thu hồi nợ bị chững lại.
Bà Thu lấy ví dụ điển hình về Tập đoàn Mai Linh hiện còn 5 DN trực thuộc đã báo giảm hết lao động nhưng còn treo nợ hơn 113 tỉ đồng. Có nhiều trường hợp số nợ đọng quá lớn, việc thu hồi nợ có thể dẫn đến DN bị phá sản thì hàng ngàn lao động sẽ bị mất việc làm. Bên cạnh đó, theo bà Thu, nhiều DN thực sự khó khăn thì cho dù có khởi kiện cũng không thể thu hồi số nợ đọng BHXH.
“Bộ luật lao động sửa đổi nên bổ sung quy định cụ thể về hướng giải quyết cho người lao động trong trường hợp chủ DN bỏ trốn hay DN đã bị khởi kiện nhưng không khắc phục nợ đọng. Bởi thực tế đã có rất nhiều vụ việc như vậy nhưng không có cách giải quyết và các DN sẽ lợi dụng sơ hở đó để lách luật” – bà Thu nói.
Còn ông Nguyễn Tất Năm, trưởng phòng lao động – tiền lương – tiền công Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho rằng mức chế tài xử lý hành chính đối với các DN nợ BHXH là quá nhẹ. “Số tiền phạt nhỏ hơn tiền nợ thì DN sẵn sàng đóng phạt vì nó lợi hơn. Vậy nên tôi nghĩ nên áp một số điều về nợ đọng BHXH vào Bộ luật hình sự để có sức răn đe mạnh hơn” – ông Năm nói thêm.
Rắc rối thủ tục
Theo bà Trần Kim Yến – chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, hiện đã tiếp nhận hơn 250 hồ sơ DN nợ BHXH do cơ quan BHXH TP.HCM cung cấp và đã gửi 4 hồ sơ cho tòa án. Tuy nhiên, việc tập hợp đủ giấy ủy quyền của người lao động để tiến hành khởi kiện dường như là không thể. Nếu khởi kiện chỉ có thể tiến hành ở những vụ việc nhỏ lẻ.
“Hầu hết các vụ nợ đọng BHXH đều là nợ tập thể. Ví dụ nếu khởi kiện một DN để thu hồi nợ cho khoảng 1.000 người lao động thì chúng tôi buộc phải vận động tất cả những người này làm giấy ủy quyền. Nhưng người lao động cần công việc, cần thu nhập để sống hơn là kiện DN để đòi nợ. Do vậy chỉ những ai đã nghỉ việc, cần chốt sổ BHXH thì mới dám làm ủy quyền để chúng tôi khởi kiện” – bà Yến phân tích.
Bà Yến lý giải thêm: “Về thủ tục làm giấy ủy quyền, người lao động phải đến chính quyền địa phương làm đơn xác nhận. Mỗi giấy ủy quyền phải mất hơn 100.000 đồng và còn phải nghỉ một ngày công. Phức tạp, rườm rà cũng dễ khiến người lao động chán nản”.
Còn bà Nguyễn Thị Thu thì cho rằng người lao động thường cư trú rải rác và ít có điều kiện cập nhật thông tin. Vì vậy việc công đoàn đi vận động được số lượng lớn người lao động là quá khó khăn. “Không chỉ vậy, việc chờ đợi người lao động làm ủy quyền sẽ tốn nhiều thời gian, khiến vụ kiện càng kéo dài và phức tạp thêm” – bà Thu cho biết.
Nguồn: tuoitre.vn