Nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, 18.3, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đề nghị làm rõ nội dung thực hiện thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đại biểu Dũng cũng yêu cầu làm rõ kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ Tài chính, việc thanh tra có gắn liền với kết quả giải quyết sau thanh tra hay không, cụ thể ra sao?
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu vấn đề: “Nên chăng cần thanh tra toàn diện đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ để quản lý tốt hơn trong thời gian tới?”.
Hồi âm các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam có 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thì 2 doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp liên doanh và nước ngoài. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã thanh tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu qua kênh ngân hàng.
“Doanh thu qua kênh ngân hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm này rất lớn, chiếm 96,83% trong tổng doanh thu. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã lưu hành 5 kết luận đối với 5 công ty bảo hiểm; đang thực hiện trình thủ tục để ban hành 3 kết luận và 2 kết luận đang triển khai” – ông Phớc thông tin.
Cũng theo người đứng đầu ngành tài chính, đến nay Bộ này đã thanh tra được 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; kế hoạch sắp tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 doanh nghiệp bảo hiểm nữa. “Như vậy sắp tới sẽ lần lượt thanh tra hết các công ty bảo hiểm”, ông Phớc nói.
Ngoài thanh tra theo kế hoạch, Bộ trưởng Phớc, Bộ sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại hay đơn thư tố cáo của người tham gia bảo hiểm… để chấn chỉnh, giải quyết quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, chấn chỉnh kịp thời, xử lý sai phạm, bảo đảm các công ty bảo hiểm khi hoạt động phải bình đẳng và tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm.
Nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ để tích lũy giảm
Vẫn liên quan tới thanh tra bảo hiểm, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nhìn nhận, kết quả thanh tra đợt 1 với 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng của Bộ Tài chính công bố tháng 7.2023 cho thấy, trong tổng số doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại (chỉ tính đến ngày 31.12.2021) khoảng 15.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, có công ty có đến 70% khách hàng mua bảo hiểm đã hủy sau đợt đóng phí lần đầu, thường nộp phí lần đầu là một năm hoặc hai năm.
Ông Thịnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá vấn đề này và đưa ra hướng xử lý về trách nhiệm của các tổ chức liên quan qua kết quả thanh tra. “Có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả thiệt hại lớn cho số đông khách hàng đã hủy ngang hợp đồng?” – ông Thịnh chất vấn.
Đại biểu Thịnh cũng hỏi Bộ Tài chính có biện pháp gì để đảm bảo trong tương lai, các doanh nghiệp bảo hiểm không có những sai phạm tương tự, nhất là trong bối cảnh hành vi cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức đã được bổ sung tại khoản 5 Điều 15 luật Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 5 vừa qua?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc không dám khẳng định còn hay không tình trạng trên, nhưng theo ông, trước đây có tình trạng ngân hàng thương mại, nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền phải mua bảo hiểm và chi phí mà ngân hàng, nhân viên được hưởng lợi lớn (năm 2023 là 37% tổng doanh thu và năm 2022 là 43,8%).
Do vậy, khi doanh nghiệp vay được tiền, đóng bảo hiểm lần đầu đã tiến hành hủy ngang. Bởi nếu tiếp tục đóng các năm sau thì phải kéo dài, thiệt hại lớn nên họ thà mất một khoản ban đầu, cộng vào chi phí vay và không phải kéo dài cho các năm sau.
“Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát của ngân hàng kiểm tra và xử lý, ngăn chặn. Một biện pháp nêu trong luật Giá và trong nghị định liên quan là phải ghi âm một cách đầy đủ trong quá trình tư vấn để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra sau này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Thông tin thêm về thị trường bảo hiểm Việt Nam, người đứng đầu ngành tài chính cho biết: hiện nay có 82 công ty bảo hiểm, trong đó có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ và có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Tổng tài sản của tất cả các công ty này khoảng 913.000 tỉ đồng, đầu tư quay trở lại cho nền kinh tế khoảng gần 700.000 tỉ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu của 82 công ty khoảng 190.000 tỉ đồng.
Doanh thu bảo hiểm trong năm vừa qua đạt 227.000 tỉ đồng, giảm 8% so với năm 2022; trong đó doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 71.000 tỉ đồng, bảo hiểm nhân thọ khoảng 155.000 tỉ đồng, lần lượt giảm khoảng gần 13% và gần 3%.
“Nhu cầu của người dân mua bảo hiểm nhân thọ để tích lũy, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài giảm đi. Nguyên nhân do đời sống khó khăn hoặc do họ tìm thấy kênh khác tốt hơn…”, ông Phớc nói.
Nguồn: thanhnien.vn