Sáng 27-5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Làm rõ mức tham chiếu
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã thông tin về việc thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”.
Theo đó, nghị quyết 27 quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1-7, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Nội dung này chưa được dự liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 6 nên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, qua nhiều lần đề nghị, ngày 15-5, Chính phủ mới đề xuất thay “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu” trong dự luật.
Theo đó, dự thảo luật đã được bổ sung giải thích thuật ngữ “mức tham chiếu” tại một số điều.
Do đây là nội dung mới được đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau trong dự luật.
Cụ thể, nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu trong dự thảo luật, theo hướng bảo đảm tuân thủ quan điểm chỉ đạo của nghị quyết số 28.
Quy định giao Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc xây dựng và tổ chức thực hiện mức tham chiếu này đối với các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động theo tinh thần nghị quyết 28 để hài hòa với khu vực Nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp hơn mức sống tối thiểu,
Cùng với đó, chỉ đạo việc rà soát bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến “mức lương cơ sở” để ban hành hoặc trình ban hành quy định mới.
Đề nghị đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, cho ý kiến thẳng thắn, rõ ràng
Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần (điều 76 của dự thảo) và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (điều 77 dự thảo), bà Thúy Anh cho hay trước đó, Chính phủ chưa có ý kiến chính thức về phương án cải cách tiền lương, do đó, đối với nội dung này.
Đến ngày 25-5, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội. Cụ thể, báo cáo về đề xuất các nội dung liên quan trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do tác động của chính sách tiền lương mới.
Theo đó, với phương án cải cách tiền lương mà Chính phủ đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền về cơ bản chưa cần thiết phải sửa đổi toàn diện ngay điều 62 và điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành như đề xuất trước đó của Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị giữ như nội dung tại điều 72 và điều 73 dự luật Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6 (sửa đổi, bổ sung điều 62, điều 63), tương ứng với điều 76 và điều 77 dự luật trình Quốc hội kỳ họp thứ 7.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát hành báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý quy định của dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần (điều 76) và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (điều 77) trình Quốc hội.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều 76, điều 77 như thể hiện tại dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định tại điều 76 và điều 77 của dự thảo luật chỉnh lý liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu.
Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận, cho ý kiến thẳng thắn, rõ ràng về vấn đề này.
Nguồn: tuoitre.vn