Thời điểm này trở về trước, bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) được quyền khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú nơi BV tuyến quận, huyện trên toàn quốc và hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.
Nếu bệnh nhân lên tuyến tỉnh khám ngoại trú, nội trú thì phải có giấy chuyển viện; nếu không, được xem là trái tuyến, phải tự chi trả khám ngoại trú. Nếu nhập viện tuyến tỉnh trái tuyến, chỉ được hưởng 60% quyền lợi BHYT (tuyến T.Ư là 40%). Nhằm hạn chế người bệnh vượt tuyến lên tuyến tỉnh, ngành y tế đặt ra “hàng rào” kỹ thuật: để được hưởng BHYT đầy đủ, phải có giấy chuyển viện.
Nhằm mở rộng quyền lợi cho bệnh nhân, theo quy định của luật BHYT, từ ngày 1.1.2021, bệnh nhân có thẻ BHYT đều được vượt tuyến lên bệnh viện (BV) tuyến tỉnh điều trị nội trú và được xem là đúng tuyến, được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định mà không cần giấy chuyển viện.
Với quy định mới này, có thể hiểu là người dân có quyền tự do lên các BV tuyến tỉnh, đặc biệt là các BV lớn ở: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… để nhập viện điều trị nội trú bất kể bệnh gì. Lẽ thường tình, với cơ chế tự chủ tài chính, các BV sẽ vui mừng vì lượng BN có thể tăng, đồng nghĩa sẽ tăng thu nhập?
Nhưng thực tế, các BV lớn vốn đã quá tải, và cơ chế tài chính dự toán chi gần như dựa vào quỹ BHYT, thì việc bệnh nhân tự do nhập viện có thể sẽ gây khó đối với BV, bởi ngành y tế sẽ “siết” tiêu chuẩn chỉ định nhập viện và cơ quan giữ quỹ BHYT sẽ tăng mức cảnh báo đối với BV. Lúc này, “trái bóng” trách nhiệm dồn về bác sĩ. Bệnh nhân có được nhập viện hay không là do bác sĩ khám, quyết định nên trách nhiệm bác sĩ sẽ rất nặng nề.
Hàng rào kỹ thuật bằng giấy chuyển viện hay tiêu chí, tiêu chuẩn nhập viện nói cho cùng cũng là những giải pháp hạn chế những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, thông thường nhập viện tuyến tỉnh. Nhưng nếu việc thông tuyến cứ áp dụng cứng nhắc và dựa vào đó để thanh toán BHYT hay xuất toán BHYT thì sẽ đẩy cái “khó” cho BV, bác sĩ tuyến tỉnh.
Nguồn: thanhnien.vn