Người lao động được bảo lưu quyền lợi bảo hiểm xã hội thế nào?
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2016, số tiền chậm đóng trên 10.000 tỉ đồng (chiếm 3,75% số thu). Hết năm 2022, số tiền chậm đóng khoảng 13.000 tỉ đồng (chiếm 2,91% số thu). Như vậy, số tiền phải thu do chậm đóng bảo hiểm xã hội giảm từng năm.
Tuy vậy, hết năm 2021, ngành bảo hiểm xã hội thống kê vẫn có trên 206.000 lao động tại khoảng 26.000 đơn vị chậm đóng. Số tiền không có khả năng thu hồi gần 3.200 tỉ đồng. Trong đó, tiền lãi chậm đóng hơn 900 tỉ đồng.
Để giải quyết, Bảo hiểm xã hội đề xuất hai phương án là lấy tiền lãi mà doanh nghiệp phải nộp do trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội, hoặc từ ngân sách. Tuy vậy, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Luật Ngân sách nhà nước không quy định nội dung cụ thể.
Do đó, cơ quan bảo hiểm sẽ xác nhận thời gian đóng cho người lao động trên sổ bảo hiểm đến thời điểm đơn vị đóng đủ, để bảo lưu thời gian đóng hoặc giải quyết chế độ nếu đủ điều kiện. Khi thu hồi khoản chậm đóng, cơ quan này xác nhận bổ sung thời gian đóng.
Nếu đơn vị chậm đóng, không có khả năng thu hồi, cơ quan bảo hiểm giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản theo nguyên tắc đóng – hưởng. Lao động được bổ sung thời gian đóng khi có nguồn đóng bù.
Doanh nghiệp cung cấp tài khoản xử phạt không có số dư
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết ngoài tuyên truyền, cơ quan này đã chỉ đạo toàn ngành thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoặc cử cán bộ đốc thúc đơn vị có dấu hiệu chậm đóng. Theo đó, thời gian qua số tiền thu hồi đạt gần 75%, nhiều hồ sơ được gửi tới cơ quan điều tra tiếp nhận, xử lý, khởi tố.
Cơ quan này cho biết thực tế vẫn còn bất cập khi có doanh nghiệp sử dụng nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, hoặc cung cấp tài khoản xử phạt không có số dư.
Bên cạnh đó, quyền khởi kiện tại công đoàn cơ sở gặp khó khăn, không khách quan do cán bộ công đoàn ở đây vẫn nhận lương của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vì chậm đóng, chứ không phải trốn đóng, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Số khác đang làm thủ tục phá sản, giải thể, không còn tài sản… dẫn tới khó thu tiền bảo hiểm đáng ra phải đóng cho người lao động.
Phương án ngăn chậm, trốn đóng
Bảo hiểm xã hội đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các phương án.
Trường hợp không có khả năng thu hồi từ 31-12-2021 trở về trước, cơ quan chức năng xóa lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội hoặc lấy kinh phí kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động tại đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể. Hiện quỹ đang kết dư an toàn, đúng mục đích hỗ trợ lao động, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước khi chủ bỏ trốn, không có khả năng chi trả. Song việc này còn cần nghiên cứu, xem xét.
Với các trường hợp từ 1-1-2022 trở đi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất ngăn chặn hành vi chậm, trốn đóng qua ngừng sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp vi phạm, hoãn xuất cảnh với người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền đại diện theo pháp luật từ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội đề xuất thành lập quỹ bảo hiểm thất nghiệp dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ người lao động tại nơi giải thể, phá sản, không có khả năng thu hồi tiền chậm đóng. Quỹ còn hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiên tai, dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội.
Nguồn: tuoitre.vn