Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì tọa đàm – Ảnh: HÀ QUÂN
Theo ông Nguyễn Thành Đô – trưởng ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM, qua khảo sát gần 330 doanh nghiệp, thành phố có khoảng 108.000 người bị ảnh hưởng do doanh nghiệp giảm đơn hàng. Trong đó, số giảm giờ làm tiêu chuẩn khoảng 102.000 người và hơn 6.000 người khác mất việc. Qua phân tích, lao động trên 35 tuổi khoảng 40.000 người, mang thai và nuôi con nhỏ khoảng 8.000 người.
Ông Đô cho hay dự báo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn trong quý 1 và có thể kéo dài hết quý 2-2023, dẫn tới nhiều người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập.
Tình hình nợ bảo hiểm xã hội sẽ gia tăng và quyền lợi người lao động sẽ bị ảnh hưởng, nhất là chế độ của người lao động yếu thế, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ. “Qua thống kê, khoảng 59% doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn”, ông Đô nói.
Ông cũng cảnh báo tình trạng một số doanh nghiệp sẽ thải loại lao động trên 35 tuổi và những người này rất khó tham gia lại thị trường lao động, nhất là những ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày… Bên cạnh đó, lương khởi điểm rất thấp do không được cộng lương thâm niên, dẫn tới họ sẽ không đi làm lại.
Cũng theo ông Đô, quan điểm của TP.HCM là hỗ trợ người lao động, nhất là đối tượng mất việc, hoãn hợp đồng và giảm giờ làm. Các cấp công đoàn thương lượng với chủ doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động để duy trì việc làm cho công nhân. Công đoàn đã kết nối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm, Thành Đoàn để giới thiệu việc làm ngắn hạn cho người lao động trong dịp Tết.
Vị này đề xuất tăng cường thanh kiểm tra doanh nghiệp và xử lý nghiêm đơn vị cố tình né đóng, nợ bảo hiểm xã hội. Công đoàn Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi vay ngân hàng, đồng thời xem xét hỗ trợ ngay cho người lao động gặp khó khăn.
Quang cảnh tọa đàm – Ảnh: HÀ QUÂN
Còn ông Đặng Tấn Đạt – trưởng ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động Bình Dương – chia sẻ số người lao động giảm giờ làm của tỉnh này khoảng 240.000, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 140.000. Số lao động đang tạm hoãn hợp đồng khoảng 30.000.
Dẫn lại đề nghị của doanh nghiệp, ông Đạt đề xuất Chính phủ miễn giảm và giãn thuế, nợ vay ngân hàng, bảo hiểm. Người lao động mong được hỗ trợ khi có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng do nghỉ không lương, chấm dứt trước hạn…
Theo ông Đạt, doanh nghiệp thiếu lao động không dám nhận lao động tạm hoãn hợp đồng 3 tháng, 6 tháng dù thực tế công nhân thất nghiệp, không có thu nhập. Ông cũng trăn trở mức hỗ trợ 500.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng liệu có giúp công nhân vượt qua khó khăn hay không?
Tại điểm cầu Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng – phó chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội – cho biết thành phố có 158.000 người lao động. So với các năm trước, tiền lương người lao động giảm sút so với mức 8 – 9 triệu đồng (có tăng ca).
Báo cáo nhanh cho thấy thành phố có hơn 2.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, tuy nhiên công nhân chỉ không tăng ca chứ không nặng nề so với các khu vực khác.
Công đoàn Hà Nội đang lên kế hoạch hỗ trợ 15.000 suất quà cho lao động khó khăn, tổ chức Chợ Tết sum vầy (tặng voucher mua hàng)… Ông đề nghị cần có các điểm bán hàng bình ổn giá, kiểm soát hàng hóa – thực phẩm cuối năm; xử phạt nghiêm doanh nghiệp không đảm bảo quyền lợi cho người lao động như nợ bảo hiểm xã hội, chậm trả lương, cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh…
Ghi nhận các ý kiến, ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị giảm đơn hàng, công nhân lao động mất hoặc giảm thu nhập. Để nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng như để doanh nghiệp duy trì, phát triển, công đoàn đang cùng các ban ngành đề xuất Chính phủ những chính sách hỗ trợ kịp thời, thủ tục đơn giản, sát thực tiễn.
Nguồn: tuoitre.vn