BHXH cần thể hiện là vai trò trợ giúp cho người lao động khi họ mất việc – Ảnh: Thanh Đạm |
Theo ông Lưu, ý kiến chung của nhiều đại biểu là muốn QH có nghị quyết về việc bảo lưu khoản 1 điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 (quy định về bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu) đến một thời gian nhất định, nghĩa là trước mắt chưa áp dụng điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, sau một thời gian sẽ đánh giá, tổng kết và thăm dò ý kiến người lao động rồi mới tính đến việc có hay không sửa điều 60.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho biết trong thời gian gần đây, một bộ phận người lao động và cử tri phấn khởi vì Chính phủ đã đề xuất QH sửa đổi điều luật này, đồng thời đang hồi hộp chờ quyết định của QH.
Bà Quyết Tâm cho biết khi bà gặp công nhân ở các khu chế xuất trước khi đi họp QH, các công nhân đều cho rằng điều 60 nói riêng và Luật bảo hiểm xã hội 2014 là tiến bộ, không ai nói điều 60 là sai mà cho rằng điều 60 còn thiếu.
Bà Tâm đưa ra nhiều lý do mà người lao động thấy thiếu, muốn được hưởng bảo hiểm một lần và đề xuất sửa điều 60. Trước hết, với những ngành nghề và khu vực lao động như dệt may, da giày, điều kiện lao động rất khắc nghiệt.
Người lao động ngoài 40 tuổi rất khó đáp ứng được yêu cầu, hơn nữa chủ sử dụng lao động có nhiều lý do để cắt hợp đồng lao động vì tiền lương và nhiều chế độ khác cho người lao động có thâm niên sẽ cao hơn lao động mới.
Ở tuổi ngoài 40, khi bị cắt hợp đồng lao động sẽ khó tìm được việc ở đơn vị khác (để được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội – PV)…
Cũng theo bà Tâm, trong bối cảnh nhiều bất trắc có thể đến với người lao động bất cứ lúc nào, cho nên người lao động muốn có cơ chế nhận bảo hiểm một lần khi cần thiết, đó là khoản tiền bất đắc dĩ để trang trải cuộc sống khi không có sự lựa chọn nào tốt hơn.
“Họ đề nghị nhận bảo hiểm một lần không có nghĩa là tất cả công nhân sẽ nhận một lần” – bà Tâm nói.
Ủng hộ ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng bày tỏ sự biết ơn vì Chính phủ đã lắng nghe công nhân lao động để kiến nghị QH sửa đổi điều 60.
Theo ông Tùng, tổ chức công đoàn thấy rằng không những cần thiết sửa điều 60 mà trước đây đã kiến nghị tạm thời chưa thông qua Luật bảo hiểm xã hội, vì lý do cơ bản là luật này tạo ra sự phân biệt giữa người lao động trong quốc doanh và ngoài quốc doanh.
“Điều đó không thể chấp nhận được. Bây giờ người lao động chưa lãnh lương hưu nên chưa thấy, 10 năm nữa sẽ thấy, đó là hai người lao động cùng trình độ như nhau, cùng làm như nhau, cùng đóng bảo hiểm như nhau, và sau 30 năm đóng bảo hiểm xã hội thì anh làm việc trong quốc doanh lãnh lương hưu gấp hai lần anh làm việc ngoài quốc doanh” – ông Tùng nói.
Từ cách đặt vấn đề nêu trên, ông Tùng đề xuất QH nên ra nghị quyết để người lao động được quyền chọn lựa hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời lên kế hoạch để sửa Luật bảo hiểm xã hội 2014 một cách toàn diện.
Luật biểu tình ra sớm sẽ góp phần ổn định trật tự Sáng 27-5, thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, nhiều vị đại biểu Quốc hội đề cập đến Luật biểu tình và Luật về hội. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) tán thành việc đưa Luật biểu tình vào chương trình năm 2016. Theo ông Tùng, nếu có Luật biểu tình ra sớm sẽ góp phần vào ổn định an ninh trật tự xã hội, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta, người dân muốn thể hiện tình cảm yêu nước, vì vậy nếu có Luật biểu tình là một điều kiện tốt về khuôn khổ pháp lý. Các đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu)… đều cho rằng không nên lùi thời gian làm Luật về hội. Sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. |
Nguồn: tuoitre.vn