Tại buổi gặp gỡ báo chí diễn ra gần đây, ông Ngô Trung Dũng – phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam – nhìn nhận ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng lớn nhất về mặt niềm tin.
Trong bối cảnh đó, YouNet Media – nền tảng và dịch vụ chuyên phân tích dữ liệu mạng xã hội – thực hiện thống kê và phân tích tổng cộng hơn 846.000 thảo luận (bình luận, bài đăng, video, đánh giá) trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube và Instagram) về video phát trực tuyến của diễn viên Ngọc Lan và các sự kiện liên quan đến bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây.
Uy tín ngành bảo hiểm nhân thọ bị ảnh hưởng dài lâu
Theo đó, 16 cuộc khủng hoảng của ngành bảo hiểm từ 2020 đến 2022 gộp lại cũng chỉ thu hút chưa đến một nửa số thảo luận trong vài tháng của cuộc khủng hoảng lần này (hơn 410.000 thảo luận).
Trong số 846.000 thảo luận vừa diễn ra, có gần 79,4% công khai bày tỏ thái độ chỉ trích công ty bảo hiểm và ngành bảo hiểm nhân thọ nói chung.
Thêm vào đó, 4,5% thảo luận (từ các khách hàng đã mua bảo hiểm nhân thọ) bày tỏ sự lo lắng, mong muốn xem lại hợp đồng đã ký. Ở chiều ngược lại, chỉ có hơn 16,1% thảo luận là cho thấy một thái độ ủng hộ đối với bảo hiểm nhân thọ.
Không chỉ mang sắc thái tiêu cực, phản ứng của cộng đồng mạng với sự vụ lần này còn đặc biệt kéo dài.
Nếu chỉ tính riêng từ buổi livestream của diễn viên Ngọc Lan diễn ra vào ngày 7-4-2023, đến gần ba tuần sau, sự chú ý của cộng đồng mạng với sự vụ mới dần lắng xuống.
Ngay cả sau khi các nhân vật chính có hành động “giảng hòa” vào ngày 20-4, lượng thảo luận tiêu cực vẫn rất cao (27.900).
Các số liệu đồng loạt chỉ ra, khủng hoảng lần này nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở một sự vụ riêng lẻ, mà sẽ để lại hệ lụy kéo dài cho uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ.
Bảo hiểm cần nỗ lực rất nhiều
YouNet Media phân loại các thảo luận liên quan thành nhiều nhóm chủ đề.
Kết quả cho thấy, trong thời gian từ ngày 7 đến 25-4-2023, trên các nền tảng mạng xã hội, có ba chủ đề của ngành bảo hiểm nhân thọ đặc biệt nhận rất nhiều phản hồi tiêu cực, gồm: uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ, kênh bancassurance (bảo hiểm phân phối qua kênh ngân hàng) và các đại lý bảo hiểm.
Cụ thể, xuất hiện 3.839 thảo luận (chiếm 97% tổng số thảo luận) về kênh bancassurance mang sắc thái tiêu cực. Phần lớn người dân phàn nàn trên mạng về việc bị nhân viên ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, không được tư vấn đúng về bản chất của bảo hiểm nhân thọ hoặc bị tư vấn nhập nhằng giữa gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm.
Tương tự, có 9.929 thảo luận (chiếm 90% tổng số) bày tỏ thái độ tiêu cực đối với các đại lý bảo hiểm, nổi cộm là tinh thần trách nhiệm và kỹ năng tư vấn kém của các đại lý bảo hiểm.
Điều quan trọng, có đến 72.318 thảo luận trên mạng xã hội trong cùng thời gian là các đánh giá tiêu cực của cộng đồng mạng về uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ (chiếm 94% tổng số).
Các dữ liệu trên cho thấy sự sụt giảm nhanh và nghiêm trọng về niềm tin của người tiêu dùng đối với ngành, khi mới năm ngoái YouNet Media còn ghi nhận trên mạng xã hội vẫn có 66% thảo luận tích cực về uy tín của bảo hiểm nhân thọ.
Trong bối cảnh uy tín bị sụt giảm, cách truyền thông và tư vấn cho khách hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ dường như chưa giải đáp được những e ngại và hiểu lầm của khách hàng.
Theo thống kê, trong năm qua các công ty bảo hiểm nhân thọ đã tung ra đến 10 chiến dịch truyền thông xoay quanh chủ đề khơi gợi cảm xúc, tình yêu thương gia đình.
Song cùng lúc đó chỉ có 3 chiến dịch tập trung giúp khách hàng hiểu đúng và đủ về lợi ích thực tế của sản phẩm này.
Có thể thấy, ngành bảo hiểm nhân thọ cần rất nhiều nỗ lực thay đổi trong dài hạn mới mong lấy lại được niềm tin của người dân Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn