Ép mua bảo hiểm, chỉ nói quyền lợi
Bà Đặng Thị Hồng (Q.Tân Phú) chuyên kinh doanh nhỏ lẻ không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) nhưng vẫn trở thành khách hàng bất đắc dĩ. Bà Hồng kể năm 2020, bà thế chấp căn nhà trị giá hơn 3 tỉ đồng tại ngân hàng M. để vay 600 triệu đồng sửa chữa nhà. Tại trụ sở ngân hàng, hai nhân viên cứ dúi vào tay bà xấp hợp đồng BHNT mời mua. “Chữ nhiều quá, ai đọc nổi. Nhưng đến ngày giải ngân tiền vay, nhân viên tại ngân hàng in sẵn 4 bộ hợp đồng bảo hiểm điền đầy đủ thông tin, bảo chị đọc rồi ký đi để lấy tiền về luôn”, bà ấm ức kể.
“Tôi có nói tiền còn để trả vay ngân hàng, không có tiền mua bảo hiểm đâu. Nhưng họ chìa cho thẻ visa, có in sẵn tên mình, nói miễn phí 1 năm thẻ này, làm sẵn rồi. Họ bảo cứ quẹt đi, không trả ngay đâu, tháng sau mới trừ tiền tài khoản. Họ thuyết phục giỏi lắm, nói nhiều, không từ chối được. Họ nói chỉ 10 năm sau con cái có hơn 1 tỉ đồng. Vậy là ký, rồi quẹt thẻ trừ 2 hợp đồng hết 48 triệu đồng. Sang năm sau đóng tiếp 48 triệu đồng, tổng cộng 96 triệu đồng. Năm thứ ba, dịch Covid-19 đến, buôn bán quá khó khăn, tiền ăn còn không có. Tôi xin thôi đóng, họ bảo vậy mất luôn gần 100 triệu kia. Tôi chạy lên ngân hàng xin rút lại được đồng nào hay đồng đó, cô nhân viên lạnh lùng nói không được đâu. Hồi trước bảo hợp đồng mua 10 năm thôi, nay bảo 15 năm và cắt ngang là mất. Vợ chồng tôi ít hiểu biết, có đọc gì cái xấp hợp đồng đó đâu…”, bà Hồng ngậm ngùi.
Chuyện “nhắm mắt ký đại” một hợp đồng mua BHNT như trường hợp của bà Hồng khá phổ biến. Khi thực hiện loạt bài “Bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Đa số người mua đều mắc phải lỗi “không đọc kỹ” hợp đồng trước khi hạ bút ký. Thế nhưng, có trường hợp đọc kỹ đến mấy cũng không thể nào hiểu nổi độ “linh hoạt” của các gói BHNT.
Luật sư khuyến cáo: Cần làm gì trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm?
Chị Anh Thư (TP.Nha Trang) cho biết ba của chị mua BHNT thời hạn 20 năm, đóng mỗi năm 18 triệu đồng. Được 11 năm, ba của chị qua đời do đột quỵ. Công ty bảo hiểm tất toán trả cho gia đình 129 triệu đồng, trong khi tổng số tiền đóng 11 năm lên đến 198 triệu đồng. Chưa kể trong năm đóng tiền 2 đợt, mỗi đợt thêm 30.000 đồng tiền phí, rồi lãi ngân hàng…
“Công ty giải thích gói BHNT này có những yếu tố “linh hoạt” mà khi mua mình không để ý, đành chịu chứ sao”, chị Thư chép miệng thở dài. Tương tự, chị Lê Phương (TP.Phan Thiết) mua gói bảo hiểm “Bảo vệ tối ưu” trị giá 400 triệu đồng, thời hạn bảo hiểm lẫn thời hạn đóng phí lên đến 63 năm. Phí bảo hiểm theo định kỳ là hơn 15 triệu đồng mỗi năm. Đọc thông tin về BHNT mấy hôm nay, chị vội xem lại hợp đồng lại cảm thấy hoang mang hơn. “Cụm từ “thời hạn đóng phí” và “thời hạn bảo hiểm” y chang nhau, nghĩa là năm nay đã hơn 30 tuổi, đóng 63 năm là hơn 90 tuổi, tôi còn phải đóng tiền cho hợp đồng này”, chị Phương rầu rĩ.
Đã từng có thâm niên nhiều năm làm tư vấn viên bảo hiểm, được đào tạo kỹ lưỡng và trải qua kỳ sát hạch với số điểm tuyệt đối, chị Thanh Yến (TP.HCM) thừa nhận, người bình thường gần như chẳng mấy ai hiểu được. “Ngay bản thân tôi khi quay lại công ty bảo hiểm để đổi thông tin cá nhân mà còn bị tư vấn rất… hiểm. Rành rành là sản phẩm liên kết đầu tư nhưng họ gộp cả sản phẩm phụ là thẻ sức khỏe mà không hề nhắc tới chuyện nếu đóng gói sản phẩm này, giá trị tài khoản có thể giảm đi và quyền lợi bảo vệ cũng sẽ giảm theo. Thực chất đây là sản phẩm liên kết đầu tư, số tiền đóng vào sẽ đem đi đầu tư nhưng người tư vấn chỉ nói về khả năng sinh lợi nhuận, không hề nhắc đến trường hợp đầu tư thua lỗ thì quyền lợi bảo vệ ảnh hưởng thế nào…”, chị Yến ngao ngán.
Xem nhanh 20h: Cha con ông chủ Tân Hiệp Phát bị bắt | Vén màn hợp đồng bảo hiểm
Cố ý đưa nội dung bất hợp lý vào hợp đồng là lừa đảo
Là người từng góp ý xây dựng luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng các quy định về trách nhiệm, vai trò của đại lý bán bảo hiểm, công ty bảo hiểm đều được quy định trong luật tương đối rõ ràng, song cái “bẫy” lớn nhất là thời hạn đóng phí và thời hạn bảo hiểm mà khi mua, đa số người mua không để ý hoặc không hiểu.
Với một hợp đồng dân sự, trách nhiệm của người mua là đọc kỹ hợp đồng và sau khi đã đặt bút ký là phải chịu trách nhiệm với nội dung hợp đồng đó, đúng sai cứ theo hợp đồng mà làm. Nếu không đọc kỹ, sai là trách nhiệm của người mua. Thế nhưng đa số các hợp đồng BHNT đều có thời hạn hợp đồng đóng tiếp trên 60 năm, thậm chí 74 năm khi tuổi người mua đều 30 – 35 tuổi. Như vậy, người mua phải sống trên 100 tuổi để đóng hợp đồng?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói thẳng: “Ở đây không còn là trách nhiệm của đại lý tư vấn mà là hành vi thiếu tâm, thiếu đạo đức trong kinh doanh, là lừa đảo khách hàng. Cố ý đưa nội dung không hợp lý vào để ký là lừa đảo khách hàng. Trách nhiệm của đại lý tư vấn cho khách mua lúc ngoài 30 tuổi, đóng tiếp 74 năm nữa là lừa đảo. Với công ty bảo hiểm cũng vậy, có thể ký một hợp đồng cho khách thời hạn đóng, thời hạn bảo hiểm khi người mua đến 100 tuổi là có dấu hiệu lừa khách hàng”.
Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng câu chuyện bảo hiểm cần phải chấn chỉnh từ cả hai phía, người mua và người bán. Người mua phải xác định bảo hiểm là hướng đến lợi ích lâu dài, không phải cứ chỉ gửi tiền vào rồi hưởng lãi. Khách hàng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách đọc kỹ hợp đồng, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các điều khoản hoặc nhờ tới những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm, có chuyên môn về luật pháp để tư vấn. Ít nhất phải hiểu cần đáp ứng các điều khoản nào mới được hưởng lợi, thời gian đóng bao lâu, quy định tất toán thế nào, điều kiện phát sinh ra sao. Nếu chưa hiểu rõ những yếu tố cơ bản này thì không nên đặt bút ký vào hợp đồng. Đồng thời, trao đổi với tư vấn viên, nên có ghi âm hoặc ghi hình lại toàn bộ các nội dung trao đổi để có cơ sở bằng chứng giải quyết nếu phát sinh rủi ro pháp lý về sau.
Về phía người bán, luật sư Nam nói về trách nhiệm cả phía công ty bán bảo hiểm và đại lý, tư vấn viên. Phía đại lý, tư vấn viên có trách nhiệm giải thích cho người mua một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch tất cả quyền, nghĩa vụ, các điều kiện để người mua được hưởng lợi… Không được giấu giếm, mập mờ theo kiểu phần bảo vệ thì nêu, phần rủi ro thì giấu, chỉ chăm chăm mục đích lớn nhất là ký được hợp đồng với khách.
“Trường hợp người mua có bằng chứng chứng minh tư vấn viên tư vấn sai sự thật, không rõ ràng, mập mờ, không giải thích các điều kiện thì có thể coi là dấu hiệu lừa đảo và tiến hành tố cáo cơ quan pháp luật xử lý. Khi đó, sẽ có thêm yếu tố trách nhiệm từ phía công ty bảo hiểm. Ngoài ra, nếu công ty chứng minh được quy trình đào tạo đầy đủ, bài bản, những nội dung tư vấn sai lệch, mập mờ kia không thuộc quy trình xác lập theo yêu cầu của công ty, vượt ra khỏi quy chế cam kết giữa công ty bảo hiểm và người tư vấn thì trách nhiệm sẽ thuộc cá nhân tư vấn viên. Trường hợp chuỗi quy trình tư vấn được xác lập từ trước, có sự đồng thuận phía doanh nghiệp hoặc quy trình đào tạo không đảm bảo thì sẽ xét tới trách nhiệm của công ty bảo hiểm”, luật sư Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.
Các tư vấn viên đã qua đào tạo đều hiểu rất rõ về sản phẩm nên khi in ra dự thảo hay hợp đồng cho khách hàng ký mà không nói rõ cho khách hàng là cố tình lờ đi rõ ràng có cạm bẫy. Cũng do áp lực tăng trưởng nóng doanh số thôi. Như tôi ngày trước đi làm, giải thích tất tần tật cho khách nên dù là thủ khoa thi sát hạch nhưng cũng chẳng ký được cái hợp đồng nào. Một tư vấn viên bảo hiểm mà tư vấn rõ ràng, có tâm, đúng với nhu cầu thật sự của khách hàng thì số lượng hợp đồng rất ít, chỉ đủ để duy trì mã code, đủ để sống hoặc chút ít dư dả. Khó mà có một cuộc sống xa hoa, một thu nhập cao, hay quá cao như nhiều người bán bảo hiểm mà chúng ta hay nghe kể.
Chị Thanh Yến (TP.HCM), cựu tư vấn viên bảo hiểm
Nguồn: thanhnien.vn