Ngày 28.12, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có báo cáo kết quả thanh tra 21 doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài từ trước khi có dịch Covid-19 đến nay.
Trước đó, danh sách thanh tra có 30 đơn vị, tuy nhiên có 9/30 đơn vị không còn tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hay đã được cơ quan BHXH thanh, kiểm tra trong năm 2022.
Xử phạt hành chính 19 doanh nghiệp
Đoàn thanh tra của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị khởi tố, chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT 1 doanh nghiệp do đơn vị này đã được cơ quan BHXH thanh tra và xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, không khắc phục nợ BHXH, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bị nợ BHXH, người lao động không làm được thủ tục chốt sổ BHXH cũng như các chế độ khác |
XUÂN KHÁNH |
Đồng thời, đoàn thanh tra tham mưu UBND TP.HCM ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 19 đơn vị còn lại với tổng số tiền xử phạt hơn 2,8 tỉ đồng. Còn lại 1 đơn vị không lập biên bản vi phạm hành chính do chỉ nợ lãi phát sinh, không nợ quỹ BHXH.
Tại thời điểm thanh tra ghi nhận có 20/21 doanh nghiệp nợ BHXH với tổng số tiền hơn 58 tỉ đồng. Trước khi đoàn thanh tra đến làm việc, 20 doanh nghiệp này đã khắc phục số tiền nợ quỹ BHXH hơn 23,2 tỉ đồng, 1 doanh nghiệp không khắc phục số tiền nợ quỹ BHXH.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, các doanh nghiệp đều giải trình đang khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện các công ty này chọn giải pháp đóng và chốt sổ cho từng người lao động khi nghỉ việc để giải quyết quyền lợi cho người lao động và hạn chế việc khiếu nại. Một số doanh nghiệp đóng phần bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động về khám bệnh và khi nghỉ việc…
Các đơn vị nợ BHXH sẽ phát sinh tiền lãi chậm nộp, số tiền lãi này cũng được cộng dồn ngày càng nhiều lên nếu nợ càng lâu. Hầu hết các doanh nghiệp nợ BHXH có khoản nợ tiền lãi chậm nộp rất lớn, thậm chí tiền lãi gấp nhiều lần so với số tiền chậm đóng BHXH.
Chưa có hướng xử lý với doanh nghiệp phá sản
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định, chế tài sau xử phạt vi phạm hành chính chỉ cưỡng chế trích nộp tiền phạt từ tài khoản của doanh nghiệp vào kho bạc. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nợ quỹ BHXH không có tiền trong tài khoản hoặc không đủ để buộc cưỡng chế.
Bên cạnh đó, việc xử lý đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động,… vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Các đơn vị thay đổi trụ sở kinh doanh hoạt động nhưng không thông báo làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, nợ. Nhiều đơn vị không khắc phục sai phạm mặc dù đã được các cơ quan nhà nước tiến hành thanh tra, đôn đốc thực hiện và xử lý vi phạm hành chính, kiến nghị khởi tố hình sự.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan BHXH TP.HCM làm việc với từng đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài để có giải pháp, phương án tháo gỡ khó khăn, có lộ trình khắc phục nợ BHXH và giám sát, đôn đốc đơn vị thực hiện đóng BHXH hoặc hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa UBND các quận, huyện và các cơ quan BHXH quận, huyện thực hiện giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị nợ BHXH tại địa bàn có hướng khắc phục nợ BHXH.
Việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài khiến người lao động không gia hạn được thẻ BHYT để khám chữa bệnh; không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau; không chốt được sổ BHXH khi nghỉ việc…
Nguồn: thanhnien.vn