Cho ý kiến thảo luận về luật Bảo hiểm sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17.8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.
“Trước đây thời gian đóng BHXH quá dài nên người ta rút BHXH một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng BHXH quá dài”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế dự luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết, mục tiêu sau này là 10 năm.
Dự thảo luật sửa đổi đã đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Theo ông Huệ, mỗi phương án theo tờ trình phân tích có ưu điểm và các ý kiến, mặt khác nhau, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực không được rút BHXH 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động.
Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.
“Việc này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mặt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng. Khi đó mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng”, ông Huệ nêu.
Đặc biệt, Quỹ BHXH là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách. “Tính chất quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ quỹ BHXH, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về quy định nâng cấp mô hình hoạt động quỹ, trước đây Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng quỹ, song dự thảo luật đề xuất Phó thủ tướng Chính phủ sẽ đảm nhận Chủ tịch Hội đồng quỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ việc sửa đổi mô hình này, lý do hội đồng quản lý quỹ phải có bộ máy giúp việc, có tính chất độc lập.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại thời điểm sơ suất khi quỹ BHXH cho Công ty ALC II vay hàng nghìn tỉ đồng trái quy định, sau đó kỷ luật rất nhiều người. Điều này rất rủi ro, vì thế cơ chế kiểm soát phải nghiên cứu, tính toán. Trong khu vực cũng có những nước dùng tạm ứng quỹ cho vay đầu tư xây dựng cơ bản bị kỷ luật rất cao.
Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay có nhiều đối tượng lao động mới tham gia như mô hình 4.0 về kinh tế chia sẻ, quan hệ lao động rất khác, trước đây chỉ là giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng bây giờ 3 bên với thêm công ty nền tảng như Grab. Ngoài ra có các đối tượng lao động tự do, lao động từ xa, nên phải tính lương tối thiểu theo giờ.
Doanh nghiệp muốn giảm tỷ lệ đóng BHXH
Góp ý cho dự thảo luật dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng trừ Singapore và Trung Quốc có mức đóng BHXH cao hơn Việt Nam, những nước trong khu vực có mức đóng BHXH thấp hơn rất nhiều. Ví dụ Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
“Tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 17% với doanh nghiệp, nếu cộng tất cả các loại cả phần đóng góp của người lao động, cả bảo hiểm y tế thì lên tới 32%. Cao như vậy thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi, việc làm ít đi, thu nhập bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nuôi dưỡng nguồn thu phát triển trong xã hội”, ông Công nói.
Chủ tịch VCCI cũng nêu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp xem xét giảm mức đóng BHXH xuống khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp đóng 15%, người lao động đóng 5%.
“Việc này rất khó, nhưng đề nghị cân nhắc có chủ trương giảm dần từng chút một để tạo sự cân bằng với các nước trong khu vực”, ông Công nêu.
Về nội dung trốn đóng BHXH bắt buộc, đại diện VCCI cho biết hoàn toàn ủng hộ phải kiên quyết đấu tranh với những người trốn đóng BHXH. Nhưng chậm đóng BHXH do các lý do cũng là thực tế phải cân nhắc, trong khi dự thảo luật lại loại trừ “chậm đóng BHXH” chỉ còn đóng BHXH hoặc trốn đóng BHXH.
“Đề nghị cân nhắc quy định này vì các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ rất lo ngại vi phạm quy định khi chậm đóng BHXH vì các lý do như thiên tai, dịch bệnh”, ông Phạm Tấn Công nêu.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp cũng không đồng tình với chế tài xử lý vi phạm trốn đóng BHXH bắt buộc là ngừng sử dụng hóa đơn hoặc hoãn xuất cảnh, lý do sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Quan điểm của doanh nghiệp mong muốn xử lý bằng các biện pháp kinh tế tài chính.
Ông Công cũng nêu ví dụ một doanh nghiệp bị hỏa hoạn chậm nộp BHXH sẽ bị xem thành trốn đóng BHXH, bị dừng hóa đơn thì không kinh doanh được nữa, coi như mất cơ hội phục hồi.
“Quy định của chúng ta nhằm ngăn chặn các hành vi trốn đóng BHXH, tăng thêm nguồn thu, nhưng như vậy sẽ thành tự lấy đá ghè chân. Nên chuyển sang chế tài tài chính, có mức phạt tăng dần”, đại diện VCCI kiến nghị.
Nguồn: thanhnien.vn