Thông tin trên được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc”, do Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật tổ chức chiều 21.7, tại Hà Nội.
Không được hưởng lương hưu, tiền tử tuất, thai sản vì doanh nghiệp nợ BHXH
Kể lại câu chuyện hơn 10 năm ròng rã đi đòi tiền nợ BHXH cho 500 người lao động, bà Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc Phân xưởng may Nhà máy dệt kim Haprosimex (Hà Nội), nghẹn ngào: “Nhiều năm qua, người lao động đi tìm gặp lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động. Do bị nợ BHXH nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, có người đã mất, gia đình không nhận được tiền tử tuất, có người sinh con bị nợ tiền thai sản”.
Đầu năm 2023, sau hàng chục lần đi đòi quyền lợi bất thành, các công nhân Nhà máy dệt kim Haprosimex đã gửi đơn đến các cơ quan báo chí. Phía doanh nghiệp cuối cùng đã chi trả hơn 15 tỉ đồng tiền BHXH cho người lao động.
“Không phải doanh nghiệp quá khó khăn, mà họ cố tình không đóng tiền BHXH cho người lao động. Tôi đề nghị cần có biện pháp mạnh tay hơn là tước giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài”, bà Huyền nói.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm, hiện có hơn 200.000 người lao động là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ. “Không ít người không thể về hưu do chủ sử dụng trốn đóng BHXH, có người mất hàng chục năm chưa được hưởng tiền tử tuất; sinh con 7 – 8 năm không được hưởng chế độ thai sản. Đây là gánh nặng rất lớn cho xã hội”, ông Hiểu chia sẻ.
Theo ông Phan Nghiêm Long, Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), việc chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động như không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác… Hệ quả này còn tác động đến gia đình của người lao động và cả xã hội.
“Có nhiều nguyên nhân, song cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận là cơ quan BHXH chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội giao là thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động”, ông Long bày tỏ.
Công đoàn khó khởi kiện
Mặc dù điều 216 bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đến nay các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào. Tổng LĐLĐ đã rất nỗ lực đưa 189 vụ tranh chấp ra khởi kiện, trong đó có 29 vụ đã hòa giải thành, 1 vụ tạm đình chỉ, 77 vụ tòa án xem xét thời hiệu khởi kiện, một số vụ khác tòa án không có văn bản trả lời.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc thực hiện quy định này hiện còn vướng mắc, việc xử lý hình sự vẫn dậm chân tại chỗ, do các quy định về quy trình, thủ tục khởi kiện trong các luật liên quan còn chưa thống nhất.
Việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: bộ luật Lao động, luật Công đoàn, luật BHXH và luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra luật chưa sự thống nhất, nên các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau.
“Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có đạo luật bắt buộc người lao động phải uỷ quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung. Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa, nhưng đến nay cơ bản là bế tắc”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị phải xem xét sửa các luật để đảm bảo tính đồng bộ. Những nội dung này đến nay chưa thực hiện được. Gần đây nhất, dự thảo luật BHXH vẫn để vấn đề để khởi kiện nợ BHXH thì người lao động phải ủy quyền cho công đoàn. Thực tế có nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn người lao động, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian, để tiến hành khởi kiện sẽ rất lớn.
Luật sư Nguyễn Danh Huế (Chủ tịch Công ty Luật Hừng Đông), cũng cho rằng việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho công đoàn cơ sở là không phù hợp với thực tế, vì hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện người sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
“Quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH nên trao cho tổ chức công đoàn cơ sở cấp trên. Phương án này sẽ tránh được tâm lý e ngại của công đoàn cơ sở cấp dưới khi phải trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp vì thực tế là cán bộ công đoàn cơ sở đang nhận lương từ chính doanh nghiệp”.
Để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ngoài việc tiếp tục tăng cường các giải pháp nêu trên, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu, sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết: “BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ LĐ-TB-XH trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi luật BHXH năm 2014, bổ sung một số chế tài như: nộp phạt số tiền lãi bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên. Kiến nghị các địa phương bổ sung thêm hình thức không cho tham gia đấu thầu các dự án dịch vụ công; không vinh danh, khen thưởng doanh nghiệp nợ đọng BHXH…”.
Nguồn: thanhnien.vn