Thắc mắc về cách tính lương hưu cho người lao động làm nhà nước sau đó chuyển sang làm tư nhân nêu trên của chị Lê Thị Yến, bạn đọc Báo Thanh Niên.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, hiện nay mức lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Trong đó, tỷ lệ % hưởng lương hưu hằng tháng được xác định là 45% với lao động nam đóng BHXH đủ 20 năm và lao động nữ đóng BHXH đủ 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% nhưng không quá 75%.
Còn mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định + Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH khi theo chế độ tiền lương tư nhân)/Tổng số tháng đóng BHXH.
Tiền lương tháng đóng BHXH theo tiền lương nhà nước
BHXH TP.HCM lưu ý, nếu người lao động đóng BHXH theo tiền lương tư nhân thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.
Còn nếu người lao động đóng BHXH theo hệ số lương nhà nước thì tổng tiền lương tháng đóng BHXH = Tổng số tháng đóng BHXH của giai đoạn đó x Mức bình quân tiền lương đóng BHXH. Trong đó, mức bình quân tiền lương theo các giai đoạn như sau:
Thứ nhất, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1.1.1995 thì mức bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ việc/60 tháng.
Thứ hai, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.1995 đến ngày 31.12.2000 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi nghỉ việc/72 tháng.
Thứ ba, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2001 đến ngày 31.12.2006 thì mức bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ việc/96 tháng.
Thứ tư, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2007 đến ngày 31.12.2015 thì mức bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ việc/120 tháng.
Thứ năm, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2019 thì mức bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm (180 tháng) cuối trước khi nghỉ việc/180 tháng.
Thứ sáu, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1.1.2020 đến ngày 31.12.2024 thì mức bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm (240 tháng) cuối trước khi nghỉ việc/240 tháng.
Thứ bảy, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1.1.2025 trở đi thì mức bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng/Tổng số tháng đóng BHXH.
Như vậy, với trường hợp của bạn đọc hỏi thì tổng lương đóng BHXH theo hệ số lương nhà nước giai đoạn 2002 – 2011 = (Tổng số lương bình quân từ năm 2003 – 2011/96 tháng) x 108 tháng. Gọi tắt kết quả này là A.
Còn khoảng thời gian đóng BHXH tư nhân thì tính cho toàn bộ thời gian đóng. Gọi tắt kết quả này là B.
Suy ra, mức lương bình quân tháng đóng BHXH đến nay = (A + B)/252 tháng. Gọi tắt kết quả này là C.
Nếu ba của bạn đọc đã đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2023 thì tỷ lệ % lương hưu = 47%. Vậy mức lương hưu = C x 47%.
Nguồn: thanhnien.vn