Tất cả người dân đều được đảm bảo chăm sóc y tế khi bị bệnh dù người nghèo hay người giàu. Sẽ không còn cảnh kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp cho hoàn cảnh thương tâm nào đó vì nghèo mà không có tiền điều trị.
Cách bán BHYT nhà nước vẫn còn gây khó khăn và bức xúc cho người dân – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Phần 1: Có cần bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân?
Khi còn nhỏ, tôi có xem một bộ phim của Nhật Bản mà tôi không còn nhớ tựa phim, cũng không còn nhớ rõ về nội dung của nó ngoại trừ một chi tiết nhỏ. Bộ phim kể về một nữ bác sĩ đến công tác ở một hòn đảo nhỏ của Nhật Bản. Bà đã ra sức thuyết phục người dân ở đây mua bảo hiểm y tế (BHYT). Lúc đó và nhiều năm sau khi hành nghề y, tôi cũng không hiểu tại sao bà lại phải cất công thuyết phục mọi người cùng mua BHYT như vậy khi họ chưa mang bệnh.
Trước đây, khi gặp người bệnh chưa có BHYT, tôi vẫn nói: “Về mua liền bảo hiểm y tế đi nhé”. Đến khi những thông tin về khả năng vỡ quỹ BHYT (1), hay việc BHYT phải giảm ngân quỹ dành cho bệnh nhân ung thư, tôi ngẫm nghĩ và dần nhận ra mình đã sai lầm thế nào khi chỉ khuyên những người bệnh mua bảo hiểm. Tiền chi trả cho bệnh nhân được BHYT ở đâu ra nếu chỉ có người bệnh mua BHYT? Vì thế câu nói của tôi bây giờ là: “Mua bảo hiểm y tế cho cả nhà đi nhé”.
Hiện nay, do muốn tăng số lượng người mua BHYT mà Bộ Y tế đã đưa ra giải pháp mua BHYT theo hộ gia đình. Người dân có hai lựa chọn: hoặc là mua BHYT cho cả gia đình hoặc là không được mua nếu có một ai trong gia đình họ không mua BHYT. Điều này gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân và đã được truyền thông đại chúng phản ảnh nhiều.
Có thể thấy, việc mua BHYT vốn là quyền lợi và nhu cầu chính đáng của một cá nhân lại phải phụ thuộc vào ý thức, ý muốn và sự hiểu biết của cá nhân khác là một điều vô lý. Không ai có thể bắt tất cả mọi người trong cùng một gia đình phải có cùng suy nghĩ, cùng hiểu biết như nhau và cùng đồng lòng ở một chuyện nào đó. Chỉ cần một cá nhân ương ngạnh không thích mua, hay nghĩ mình còn trẻ khỏe chẳng khi nào bị bệnh và quyết định không mua thì những người còn lại trong gia đình mất đi cơ hội được mua BHYT. Khi họ mất đi cơ hội mua BHYT có nghĩa là có khả năng họ mất đi cơ hội điều trị và có thể mất đi cơ hội được sống nếu chẳng may chi phí điều trị quá cao ngoài khả năng của họ. Điều này quả thật vô lý.
|
Nhà nước đang thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân với mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT (2). Tuy nhiên, biện pháp mua BHYT theo hộ gia đình không phải là bước đệm tốt, nó là bước đệm bất hợp lý với không ít người. Ngoài ra, với tôi, con số 80% dân số tham gia bảo hiểm chưa phải là con số lý tưởng, nghĩa là còn 20% dân số không tham gia bảo hiểm, tương đương với khoảng 18 triệu người dân không có thẻ BHYT. Sẽ có bao nhiêu người trong con số 18 triệu người mất đi cơ hội điều trị do không có tiền?
Theo tôi, nhà nước cần nhanh chóng thực hiện BHYT toàn dân bắt buộc.
BHYT toàn dân bắt buộc có gì khác với BHYT mua theo từng hộ gia đình?
BHYT toàn dân bắt buộc là mọi người dân từ trẻ em đến người già đều phải có một thẻ BHYT trong tay bất kể họ có muốn mua hay không. Nó vừa là một quyền lợi vừa là một nghĩa vụ. Họ có thể mua ở bất cứ địa phương nào không phụ thuộc hộ khẩu thường trú, không phụ thuộc vào những người khác trong gia đình.
Sao lại cần thật nhiều người khỏe mạnh mua BHYT?
Về nguyên tắc của BHYT, quỹ sẽ dùng số tiền nhỏ của thật nhiều người khỏe mạnh đóng vào để chi trả viện phí cho người bị bệnh. Do đó, số người mua bảo hiểm càng nhiều thì sẽ có nguồn quỹ càng lớn để chi trả cho người bệnh. Còn nếu chỉ những người có bệnh mới mua BHYT chắc chắn quỹ BHYT sẽ nhanh chóng bị vỡ.
Ai ở trong ngành y sẽ thấy qui định về BHYT mỗi năm mỗi khác nhau, khi thì BHYT chi trả 100%, khi thì người bệnh phải đồng chi trả, có năm thì cho khám bệnh ngoại trú vượt tuyến có năm thì không, có năm thuốc này nằm trong danh mục BHYT nhưng năm sau lại bị cắt. Một trong những lý do có thể có, theo tôi nghĩ, là do nguồn quỹ BHYT có dồi dào hay không và quỹ phải được cân đối giữa nguồn thu và nguồn chi. Do đó, mua BHYT ngoài việc để bảo hiểm sức khỏe cho bản thân, thì số tiền ta đóng cho BHYT còn được dùng để điều trị cho rất nhiều người bệnh, trong đó có những người bệnh nghèo khó. Nếu hiểu như vậy thì mọi người sẽ ít ngần ngại hơn trong việc chi tiền mua BHYT.
BHYT toàn dân bắt buộc có lợi ích gì?
1. Tất cả mọi người dân đều được đảm bảo được chăm sóc y tế khi bị bệnh dù người nghèo hay người giàu. Sẽ không còn cảnh kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp cho hoàn cảnh thương tâm nào đó vì nghèo mà không có tiền điều trị.
2. BHYT không chỉ có lợi cho người nghèo mà cũng có lợi cho người giàu. Nếu một ai chẳng may phải nhập viện vì bệnh nặng, nếu không có BHYT thì nhiều người khá giả cũng phải khóc chứ không chỉ người nghèo.
Có nhiều người ban đầu nói rằng không cần sử dụng BHYT, với họ tiền không thành vấn đề nhưng sau một thời gian khi số tiền viện phí tăng từ vài chục triệu vượt qua con số trăm triệu thì lúc đó tiền đã thành vấn đề. Họ bắt đầu đưa thẻ BHYT để được hưởng quyền lợi.
3. Nguồn tiền lớn giúp cho BHYT rộng tay chi trả cho các loại thuốc đắt tiền, các kỹ thuật cao và tăng danh mục chi trả cho các cơ sở tuyến dưới.
4. Khung giá BHYT chi trả sẽ sát với viện phí thực mà bệnh nhân phải trả hơn. Việc tăng viện phí sắp tới đây sẽ không còn là nỗi lo cho bệnh nhân nghèo. Đồng thời, tăng viện phí giúp trả lương một cách xứng đáng cho nhân viên y tế. Tránh việc bất hợp lý là bệnh nhân nghèo vẫn không đủ tiền trả viện phí, mà nhân viên y tế vẫn cảm thấy mức lương họ nhận được chưa tương xứng với trí tuệ, sức lực và thời gian mà họ đã dành cho ngành nghề của mình.
5. BHYT sẽ dành một phần quĩ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho tuyến dưới, giúp giảm quá tải ở tuyến trên.
Rõ ràng, việc thực hiện BHYT toàn dân bắt buộc mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Bộ Y tế cần sớm chấm dứt cách bán BHYT theo hộ gia đình như hiện nay và nhanh chóng chuyển đổi sang BHYT toàn dân bắt buộc để việc mỗi người dân đều có một thẻ BHYT không còn là một ước mơ xa vời.
Xem tiếp phần 2 tại đây
Nguồn: thanhnien.vn