Quy định trên tại dự thảo luật BHXH sửa đổi đang nhận được ý kiến phản ứng của người lao động và các chuyên gia vì cho rằng thiếu tính nhân văn, không công bằng giữa các đối tượng.
Khi hay tin người lao động đóng BHXH 15 năm có thể được nhận lương hưu, cũng như nhiều lao động, chị Nguyễn Thị Nhung (trú H.Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) rất phấn khởi, vì có thể quay lại đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi về già.
Chị Nhung chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công nhân điện tử tại KCN Thái Nguyên. Năm 2020, tôi nghỉ việc nhận BHXH 1 lần. Số tiền lĩnh sau hơn 10 năm làm việc được 80 triệu đồng, cùng với tiền tích góp tôi mở cửa hàng tạp hóa buôn bán nhỏ. Nhờ khoản tiền đó, đến nay công việc buôn bán khá thuận lợi, thu nhập mỗi tháng cũng được 20 triệu đồng. Tôi rất muốn quay lại đóng BHXH tự nguyện để được nhận lương hưu”.
Tuy nhiên, theo dự thảo luật BHXH sửa đổi, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm mục đích là tạo cơ hội cho người tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục nên có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu.
Những người lao động đã hưởng BHXH 1 lần như chị Nhung, sau thời điểm luật có hiệu lực (dự kiến áp dụng 1.1.2025) thì phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này thiếu tính nhân văn, bất công đối với người lao động.
Anh Vũ Duy Mạnh, công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh (Hà Nội), bày tỏ: “Nếu chúng tôi có việc làm, thu nhập ổn định ai cũng muốn đóng BHXH để có lương hưu khi về già. Tuy nhiên, trong cuộc sống khó có thể lường hết những rủi ro, công việc không thuận lợi, người lao động chẳng may mất việc. Ngoài 40 tuổi không ai nhận cho làm việc, chúng tôi buộc phải rút BHXH để mưu sinh. Sau này có cơ hội, quay trở lại đóng BHXH lại ép chúng tôi phải đóng thêm 5 năm so với những người khác. Như vậy là quá bất công”.
Xem nhanh 12h ngày 10.3: Ý kiến chuyện dỡ vòng xoay đồng hồ | ‘Bêu tên’ chủ tịch quận nếu vỉa hè nhếch nhác
Không thể phân biệt đối xử giữa những người lao động
Ủng hộ đề xuất giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm để nhiều người chưa có điều kiện tham gia BHXH được tiếp cận với chế độ hưu trí, song bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia an sinh xã hội, lại không đồng tình quy định bắt người đã nhận BHXH 1 lần phải đóng tăng thêm 5 năm so với những người tham gia lần đầu. Bà Hồng cho rằng, quy định như vậy là thiếu công bằng với tất cả các đối tượng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nêu quan điểm không nên quá khắt khe với người lao động đã lỡ rút BHXH 1 lần muốn quay trở lại.
“Không ai muốn rút BHXH 1 lần khi có điều kiện, chỉ là do người lao động quá khó khăn mới phải rút. Luật phải thể hiện tính nhân văn, “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Bộ LĐ-TB-XH nên xem xét, lắng nghe ý kiến của người lao động để có sự điều chỉnh cho phù hợp”, ông Lợi nói.
Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân – công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), nhìn nhận việc quy định những người đã rút BHXH 1 lần phải đóng 20 năm mới được nhận lương hưu là phân biệt đối xử giữa những người lao động.
“Xây dựng luật về an sinh xã hội là để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, chứ không phải là cản trở, gây khó khăn cho họ tiếp cận, hưởng chế độ an sinh xã hội. Thay vì đưa ra quy định mang tính phân biệt đối xử giữa những người lao động, ban soạn thảo nên thiết kế, xây dựng chính sách để người lao động đảm bảo tiền lương tối thiểu, không phải rút BHXH 1 lần”, bà Lan nói.
Một thành viên ban soạn thảo cho biết, khi bổ sung thêm quy định này cũng có ý kiến trong ban soạn thảo lăn tăn có nên để mốc thời gian 15 năm áp dụng chung cho các đối tượng, không phân biệt tham gia BHXH lần đầu hay lần thứ 2, thứ 3…
“Tuy nhiên, mong muốn của cơ quan soạn thảo là đưa ra quy định này là để người lao động phải cân nhắc trước khi rút BHXH 1 lần. Ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân sẽ được ban soạn thảo ghi nhận, chỉnh sửa và hoàn thiện cho phù hợp để trình Chính phủ vào tháng 6, sau đó sẽ được trình Quốc hội vào cuối năm nay”, vị này nói.
Nguồn: thanhnien.vn