Mục tiêu đầu tiên mà Việt Nam đề ra trong kế hoạch này là chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật và an sinh xã hội (gồm 4 trụ cột cơ bản: việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản). Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, điển hình là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tỷ lệ nghèo giảm; các chính sách về lao động – việc làm dần hoàn thiện khi hội nhập quốc tế.
Nhưng những sự cố lớn như dịch Covid-19 và biến động thị trường lao động năm 2022 cho thấy hệ thống an sinh xã hội còn nhiều hạn chế. Những bất cập, như chia sẻ của Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh trong bài trả lời phỏng vấn với PV Thanh Niên chính là an sinh xã hội chưa đảm bảo được tính bao trùm, chưa tiếp cận được hết người cần trợ giúp khẩn cấp; chưa huy động được sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước. Trong khi đó, việc triển khai lại thiếu đồng bộ, các thủ tục hành chính rườm rà.
Thế nào là hệ thống an sinh xã hội bao trùm, bền vững? Nói một cách lý tưởng, đó là xã hội mà tất cả công dân, bất kể xuất thân, giới tính, tình trạng sức khỏe, điều kiện tài chính… đều có cơ hội phát triển và có một cuộc sống tốt đẹp.
Muốn có được lưới an sinh “không bỏ ai lại phía sau”, người viết cho rằng cần hoàn thiện cái đã có (như xây dựng hệ thống luật pháp mạnh mẽ và thực thi hiệu quả, đồng bộ giữa các tỉnh thành; nâng cao năng lực cơ quan chức năng khi giải quyết các vấn đề xã hội). Mặt khác, cần kịp thời có chính sách mới, mà trong đó, hướng đến lao động tự do (không có hợp đồng lao động) là yêu cầu bức thiết.
Nguồn: thanhnien.vn