“Của để dành” cho người lao động tự do
Một ngày đầu tháng 10, tại đại lý thu BHXH ở P.Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, ông Lý Ý Thượng (62 tuổi, trú TDP8, P.Tự An) đang làm thủ tục tham gia BHXH tự nguyện năm thứ 3, với số tiền đóng mỗi năm hơn 6 triệu đồng. Ông cho biết sẽ đóng từng năm trong 10 năm đầu, sau đó đóng một lần 10 năm nữa là đủ để hưởng lương hưu theo quy định. Ông Thượng hành nghề y học cổ truyền, kết hợp làm nông, kinh tế gia đình tương đối ổn định. Tuy nhiên, mãi đến những năm gần đây, ông mới tìm hiểu về BHXH tự nguyện và nhận thấy lợi ích của chế độ an sinh này. “Bây giờ mình còn sức khỏe, lao động được, nhưng khi tuổi cao, sức yếu, chỉ có lương hưu mới đỡ đần cuộc sống. Do đó, không gì hơn là tham gia BHXH tự nguyện hôm nay để mai sau yên tâm”, vị lương y bộc bạch.
Câu chuyện anh Nguyễn Minh Thảo (35 tuổi, trú đường Thăng Long, P.Tự An) tham gia BHXH tự nguyện cũng cho thấy nhận thức tích cực của người trẻ về việc chuẩn bị cho tương lai. Trước đây, Thảo làm việc tại một công ty xây dựng, đóng BHXH bắt buộc được 3 năm, nhưng khi nghỉ việc anh thanh toán BHXH một lần. Những năm gần đây, anh là lao động tự do, thu nhập thấp. Một lần tìm hiểu về lợi ích của BHXH tự nguyện, anh Thảo thấy phù hợp với điều kiện tham gia của mình. “Nếu tham gia BHXH tự nguyện bây giờ thì xem như “của để dành” khi về già sử dụng, giống như lương hưu của những người đã từng đóng BHXH bắt buộc. Nghĩ vậy nên tôi tham gia ngay BHXH tự nguyện mà không phải băn khoăn”, anh Thảo chia sẻ. Hiện anh Thảo tham gia theo phương thức đóng 3 tháng một lần, mỗi lần hơn 600.000 đồng.
Tính ưu việt của BHXH tự nguyện
Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng – BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết những năm qua, BHXH các cấp trong tỉnh đã nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện nhưng thời gian đầu số đối tượng tham gia còn thấp; những năm gần đây, số lượng tham gia đã tăng lên. Theo bà Trà, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội do nhà nước thực hiện, không có mục đích kinh doanh, đặc biệt đem lại lợi ích về lâu dài cho người lao động. Mọi thành phần lao động đều có thể tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu, thẻ BHYT để khám chữa bệnh khi về già. “Công dân từ 15 tuổi trở lên đều có thể tham gia BHXH tự nguyện nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Đối với người có 10 năm tham gia BHXH nhưng đã hết tuổi lao động (đối với nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi), thì họ có thể đóng một lần số năm còn thiếu và nhận lương hưu ngay. Lương hưu hằng năm được nhà nước điều chỉnh tăng theo tỷ lệ trượt giá nhất định. Đó là chính sách ưu việt mà không loại hình bảo hiểm thương mại nào có được”, bà Trà phân tích.
Theo bà Trà, trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phổ biến thông tin trên các cơ quan truyền thông, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tuyên truyền đến các địa bàn dân cư như tổ dân phố, thôn, buôn để người lao động tự do có thể tiếp cận, tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện, đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia theo kế hoạch của tỉnh. “Chúng tôi sẽ phân nhóm đối tượng, nhóm lao động tự do để tập trung thông tin về quyền lợi, phương thức tham gia linh hoạt của chính sách BHXH tự nguyện; đặc biệt là những quy định có lợi cho người tham gia BHXH”, bà Trà cho biết.
Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, đến hết tháng 9.2020, trên địa bàn tỉnh có 10,26% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1,02% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tổng số đối tượng tham gia BHXH là 111.429 người (trong đó, BHXH tự nguyện là 11.136 người, tăng 528 người so với tháng trước).
|
Nguồn: thanhnien.vn