Phương án lần này của Bộ LĐ-TB-XH không có gì khác so với phương án đã đưa ra lấy ý kiến vào tháng 4.2017. Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, ngoài nguyên nhân chính liên quan đến đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, lý do tăng tuổi nghỉ hưu nhằm đối phó với già hóa dân số. Theo Bộ LĐ-TB-XH, dự báo dân số VN của LHQ (2008) tuổi thọ khi sinh sẽ tăng từ 75,4 (năm 2010) lên 78 và 80,4 (trong năm 2030 và 2050).
Trong nội dung dự kiến trình lên Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH cũng nhìn nhận còn nhiều ý kiến khác cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì: sẽ làm giảm quyền lợi của người lao động (mất khoản lương hưu); giải quyết việc làm cho người lao động trẻ; nhiều người dân cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi đối với cán bộ, công chức khu vực hành chính, đây là biểu hiện của “tham quyền cố vị”.
tin liên quan
Ai được khuyến khích nghỉ hưu sớm ?
Các nội dung trên nằm trong Tờ trình đề nghị xây dựng dự án bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH dự kiến sẽ trình Thủ tướng vào giữa năm 2018. Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án bộ luật vào kỳ họp tháng 5.2019 của Quốc hội và thông qua dự án này vào kỳ họp tháng 10.2019 của Quốc hội khóa 14. Trong dự thảo Tờ trình, Bộ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về tổng số giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm so với 200 giờ/năm (không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng) theo chính sách hiện hành và thay đổi mức lương sàn cho thời gian làm thêm giờ.
Nguồn: thanhnien.vn