Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt lao động (LĐ) của Nhà máy gạch Tuynel K2, thuộc Công ty CP Xây dựng Hancorp 2 (đóng tại xã Đông Văn, H.Đông Sơn, Thanh Hóa) phải tự bỏ tiền ra đóng bảo hiểm và nhà máy sẽ trả dần bằng… gạch.
tin liên quan
Bảo hiểm mua dễ khó đòi: Cầu cứu Thủ tướng Chính phủ
Công ty TNHH Huada Furniture VN vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủvà bộ ngành T.Ư để cầu cứu được bồi thường bảo hiểm cháy nổ.
Ông Doãn Hồng Tám (51 tuổi, ngụ tại xã Đông Văn, H.Đông Sơn) có 30 năm làm việc cho Nhà máy gạch Tuynel K2 cho biết, do công việc nặng nhọc, ông xin nghỉ việc, tự đóng bảo hiểm đến khi đủ tuổi về hưu. Tuy nhiên, do nhà máy không đóng bảo hiểm cho ông trong quá trình làm việc, nên BHXH không chốt được sổ bảo hiểm.
Để được hưởng lương, ông Tám phải vay mượn hơn 65 triệu đồng, nộp cho BHXH. Thay vì trả lại số tiền trên, Nhà máy gạch Tuynel K2 lại trả cho ông khoảng 6 vạn gạch. “Sau nhiều tháng rao bán với giá thị trường không được, tôi đành phải bán lỗ. Đúng là thua thiệt đủ đường”, ông Tám than thở.
Nhiều LĐ nữ tại nhà máy này còn không được giải quyết các chế độ thai sản, ốm đau trong nhiều năm, cũng chỉ vì nhà máy nợ đọng bảo hiểm. Công nhân nhiều lần khiếu nại nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa suông của lãnh đạo nhà máy.
Kiện ra tòa vẫn không trả nợ
Tại Công ty CP Licogi 15, thuộc Tổng Công ty xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi (đóng trên địa bàn TX.Bỉm Sơn) cũng diễn ra tình trạng tượng tự. Ông Bùi Văn Lương (65 tuổi, ở phố 9, P.Lam Sơn, TX.Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cho biết, ông làm việc tại đây từ năm 1975. Tháng 9.2013, ông Lương có quyết định nghỉ chế độ, hưởng lương hưu theo quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông vẫn chưa nhận được một đồng lương hưu nào, do công ty không đóng BHXH cho ông. “Tháng nào các loại tiền bảo hiểm cũng đều được khấu trừ qua tiền lương. Tôi không nợ 1 đồng, nhưng công ty lại không nộp cho BHXH”, ông Lương bức xúc nói.
|
Ông Nguyễn Văn Thỏa (ở khu phố 6, P.Lam Sơn, TX.Bỉm Sơn) có thâm niên 30 năm làm việc tại công ty này, nhưng khi về nghỉ chế độ cũng chưa được nhận lương hưu. “Nhiều năm qua, tôi và hàng chục LĐ khác tới tổng công ty đòi chế độ nhưng vẫn không được giải quyết. Cơ quan BHXH đã khởi kiện công ty ra tòa, nhưng công ty vẫn không chịu nộp bảo hiểm cho chúng tôi”, ông Thỏa than thở.
Gian nan xử lý
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến ngày 30.9.2016, Công ty CP Licogi 15 nợ đọng bảo hiểm 10,6 tỉ đồng; Nhà máy gạch Tuynel K2, nợ tới 17,7 tỉ đồng. Chúng tôi nhiều lần liên lạc với lãnh đạo 2 đơn vị trên để tìm hiểu sự việc, nhưng đều bị thoái thác.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Bá Toàn, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ bảo hiểm (BHXH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện có tới 3.579 doanh nghiệp và 110 đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn đang nợ bảo hiểm, với tổng số tiền lên tới 408,5 tỉ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của gần 15.000 LĐ.
Theo ông Toàn, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng nhiều biện pháp “mạnh tay” như: không cho các đơn vị nợ đọng bảo hiểm tham gia đấu thầu, thi công các dự án; công khai việc nợ đọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí đã có 184 đơn vị bị khởi kiện ra tòa, nhưng tình trạng nợ đọng bảo hiểm vẫn ngày một gia tăng.
tin liên quan
Y tế và Bảo hiểm xã hội ‘đá nhau’, bệnh nhân phải trả thêm tiền
19 bệnh viện hạng 1 tại TP.HCM được Bộ Y tế phân công làm nhiệm vụ tuyến cuối (về chuyên môn) ‘bỗng nhiên’ bị BHXH phân loại thành “tuyến T.Ư” khiến người bệnh mất trắng 20% chi phí điều trị.
Nguồn: thanhnien.vn