“Hợp đồng tương trợ” cũng được thực hành bởi những người theo đạo Hindu vào năm 600 trước công nguyên, được cụ thể hơn ở thời Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ thứ IV TCN. Hợp đồng này là các khoản vay đã được cấp cho các thương gia với điều kiện nếu lô hàng bị thất lạc trên biển, khoản vay đó sẽ không phải hoàn trả. Tiền lãi của khoản vay là bảo hiểm rủi ro.
Vào thời xa xưa, Luật La Mã công nhận hợp đồng tương là một điều khoản thỏa thuận, trong đó, tiền được gửi vào một máy đổi tiền. Khoảng thế kỷ XV, bảo hiểm hàng hải trở nên rất phát triển.
Ở Rome cũng có những quỹ mai táng trả chi phí tang lễ cho các thành viên bằng lệ phí hàng tháng.
Hợp đồng bảo hiểm cũng phát triển sớm ở Hy Lạp cổ đại và các quốc gia khác có liên hệ thương mại với Hy Lạp.
Anh
Trận đại hỏa hoạn London năm 1666 đã kích thích sự phát triển của bảo hiểm hỏa hoạn. Một số công ty bảo hiểm được thành lập ở Anh sau năm 1711, thời kỳ này được gọi là thời kỳ “bong bóng bảo hiểm”. Hai công ty bảo hiểm thành công nhất của Anh lúc bấy giờ là Tổng công ty Bảo hiểm London và Tổng công ty Bảo hiểm Giao dịch Hoàng gia. Hoạt động của họ đánh dấu sự khởi đầu của bảo hiểm tài sản hiện đại.
Ngành bảo hiểm ở châu Âu sẽ không phát triển nếu không có Lloyd’s of London – thị trường bảo hiểm quốc tế . Nó bắt đầu từ thế kỷ XVII, là một quán cà phê được bảo lãnh bởi các thương gia, chủ ngân hàng và bảo hiểm, dần được công nhận là nơi tiềm năng nhất để tìm người bảo lãnh cho bảo hiểm hàng hải.
Lloyd’s được tái tổ chức vào năm 1769 như một nhóm chính thức của các nhà bảo lãnh rủi ro hàng hải. Với sự lớn mạnh của ngành hàng hải Anh , Lloyd’s trở thành “kẻ thống trị” bảo hiểm hàng hải, sau đó có thêm bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro tài sản khác.
Ngày nay, Lloyd’s vẫn là nhà tái bảo hiểm lớn nhưng không giao dịch kinh doanh bảo hiểm. Điều này được các thành viên quyết định.
Mỹ
Công ty bảo hiểm đầu tiên của Mỹ được sáng lập bởi Benjamin Franklin vào năm 1752 với tư cách Tổ chức đóng góp của Philadelphia. Đến năm 1820, riêng New York đã có 17 công ty bảo hiểm nhân thọ chứng khoán. Nhiều công ty bảo hiểm tài sản ban đầu đã thất bại do các khoản đầu tư mang tính đầu cơ, quản lý kém và hệ thống phân phối không đầy đủ.
Nhiều công ty khác cũng thất bại sau vụ cháy ở Chicago năm 1871 và trận động đất và núi lửa ở San Francisco năm 1906. Các công ty bảo hiểm có rất ít quy định hiệu quả và việc lập báo giá rất khó khăn. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề cũng bủa vây hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Trong thời kỳ hậu nội chiến Mỹ, các cách làm tiêu cực đã xuất hiện như: Cổ tức ảo, quỹ dự phòng thiếu hụt, phóng đại các quảng cáo, các tòa nhà văn phòng được xây dựng đôi khi có giá cao hơn tổng tài sản của các công ty. Đã có tới 33 công ty bảo hiểm nhân thọ thất bại trong khoảng thời gian từ năm 1870 đến năm 1872; 48 công ty tiếp theo từ năm 1873 đến năm 1877.
Sau năm 1910, bảo hiểm nhân thọ đã đạt được sự phát triển ổn định ở Mỹ. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 1910–1990 khoảng 8,4% – tăng gấp 626 lần trong 80 năm trước đó.
Đến năm 1989, khoảng 3.800 công ty TNHH và 2.270 công ty bảo hiểm nhân thọ đã hoạt động, sử dụng gần 2 triệu công nhân. Năm 1987, các công ty bảo hiểm Mỹ chiếm khoảng 37% tổng số phí bảo hiểm thu được trên toàn thế giới.
Nga
Bảo hiểm ở Nga được quốc hữu hóa sau Cách mạng Tháng Mười (1917). Bảo hiểm trong nước do một cơ quan duy nhất cung cấp là Gosstrakh và bảo hiểm rủi ro ngoài nước của một công ty liên doanh là Ingosstrakh.
Tuy nhiên, sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường tự do sau năm 1985 và sự tan rã của Liên Xô năm 1991, khoảng 230 công ty bảo hiểm tư nhân mới đã được thành lập.
Gosstrakh là công ty cung cấp cả bảo hiểm tài sản và cá nhân. Các khoản bảo hiểm cá nhân như bảo hiểm nhân thọ và tai nạn cũng được bán.
Trước năm 1991, bảo hiểm trách nhiệm không được phép hoạt động tại Nga. Lý do là bảo hiểm đó sẽ cho phép những người sử dụng vũ lực để hành hung người khác thoát khỏi hậu quả tài chính do hành vi của họ. Tuy nhiên, với sự ra đời của nền kinh tế thị trường, có vẻ như bảo hiểm trách nhiệm trở nên phổ biến ở Nga.
Đông Âu
Sau khi Liên Xô tan rã, các nước Đông Âu đã phát triển hệ thống bảo hiểm rất đa dạng, từ tập trung cao độ do nhà nước kiểm soát đến hệ thống kiểu phương Tây. Do những biến động kinh tế và chính trị, xu hướng bảo hiểm ở khu vực này sẽ hướng tới các hệ thống phi tập trung theo kiểu phương Tây.
Có thể đưa ra một vài nét khái quát về bảo hiểm ở các nước Đông Âu. Mặc dù độc quyền bảo hiểm nhà nước phổ biến nhưng họ đang mất một số hoạt động kinh doanh cho các công ty bảo hiểm tư nhân.
Lúc này, bảo hiểm tài sản thuộc sở hữu nhà nước, vốn được xem là không cần thiết ở các nước xã hội chủ nghĩa đã được thiết lập ở một số nước Đông Âu.
Nhật Bản
Bảo hiểm ở Nhật Bản chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân. Các cơ quan bảo hiểm chính phủ quy định rằng cây trồng, vật nuôi, cháy rừng, ngư nghiệp, tín dụng xuất khẩu, tai nạn và sức khỏe, bảo hiểm tín dụng bán hàng trả góp là các khoản an sinh xã hội.
Các công ty bảo hiểm tư nhân được điều chỉnh theo nhiều luật khác nhau. Các loại bảo hiểm tài sản chính được quy định bao gồm bồi thường ôtô, người lao động (bắt buộc), hỏa hoạn, hàng hải. Báo giá được kiểm soát bởi các cơ quan dưới sự giám sát của chính phủ và luật pháp Nhật Bản. Mức giá phải hợp lý và không có sự phân biệt.
Các chính sách nhìn chung giống các chính sách của các quốc gia phương Tây. Các dòng bảo hiểm cá nhân cũng được phát triển ở Nhật Bản. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế được đưa vào nhóm an sinh xã hội tại Nhật Bản.
Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Nhật Bản sau Thế chiến thứ II đi kèm với sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Vào cuối thế kỷ XX, Nhật Bản đứng số 1 thế giới về bảo hiểm nhân thọ, chiếm khoảng 25% tổng số phí bảo hiểm thu được trên thế giới, đứng sau là Mỹ.
Số lượng công ty bảo hiểm trong nước tương đối ít, các công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Nhật Bản chỉ chiếm dưới 3% tổng số phí bảo hiểm thu được.
Hoạt động bảo hiểm trên toàn thế giới
Nhờ thương mại thế giới đang ngày càng được mở rộng, thị trường bảo hiểm toàn thế giới cũng đã phát triển nhanh chóng trong thế kỷ XX. Sự phát triển này đòi hỏi một mạng lưới văn phòng trên toàn thế giới cung cấp các dịch vụ môi giới, hỗ trợ bảo lãnh phát hành, dịch vụ bồi thường,…
Phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm trên thế giới tập trung ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các công ty này phục vụ phần lớn nhu cầu bảo hiểm trên thế giới. Họ phải vượt qua các rào cản pháp lý và quy định.
Năm 1990, 10 thị trường bảo hiểm hàng đầu trên thế giới về tổng phí bảo hiểm thu được là Mỹ (35,6%), Nhật Bản (20,5%), Vương quốc Anh (7,5%), Đức (6,8%), Pháp (5,5%); Liên Xô (2,6%); Canada (2,3%); Italy (2,2%), Hàn Quốc (2%) và Châu Đại Dương (1,8%).
Sự phát triển của các chương trình bảo hiểm trên toàn thế giới bảo đảm hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, tăng cường sử dụng tái bảo hiểm. Xu hướng hiện nay là sáp nhập ngày càng nhiều giữa các công ty bảo hiểm và công ty môi giới.
Thanh Thư (Theo Britannica)
Nguồn: vnexpress.net